Bình Phước: Ba người nhập viện vì ăn nhộng ve sầu

Khoa Điều trị tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đang nỗ lực cứu chữa hai bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn nhộng ve sầu.

Ngày 6/5, ông Trần Đại Bảo, Trưởng khoa Điều trị tích cực và chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết khoa đang nỗ lực cứu chữa hai trong ba bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn nhộng ve sầu.

Trước đó, vào khoảng 20 giờ 30 ngày 4/5, các ông Điểu Ba (sinh năm 1973), Điểu Mỏn (sinh năm 1955) và Điểu Khâm (sinh năm 1984), cùng trú tại ấp Cây Me, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước đã phải nhập viện trong tình trạng da nổi những chấm hồng, co giật toàn thân. Bệnh nhân Mỏn và bệnh nhân Ba bị hôn mê, tụt huyết áp, khó thở, rối loạn nhịp tim…

Theo trình bày của người nhà bệnh nhận Điểu Ba, ngày 4/5, ba người này đã ăn nhộng ve non rang muối. Khi ăn được đến con thứ 3 thì thấy nhộng ve xào có vị quá đắng nên Điểu Khâm không ăn nữa, còn Điểu Mỏn ăn hết 5 con, Điểu Ba ăn 4 con.

Đến 16 giờ, Điểu Khâm bắt đầu có triệu chứng nôn ói, co giật. Điểu Mỏn, Điểu Ba cùng bị co giật, nôn mửa. Đến 18 giờ cùng ngày, cả ba người được đưa đến Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Sau đó được chuyển thẳng lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước.

Đến chiều 6/5, hai bệnh nhân Điểu Mỏn và Điểu Ba vẫn đang trong tình trạng khá nguy kịch. Đặc biệt bệnh nhân Điểu Mỏn bị nặng nhất thường hôn mê bất tỉnh. Theo chẩn đoán, ông Mỏn và Ba bị nặng là do ăn nhộng ve nhiễm nấm độc (ấu trùng ve đã nhiễm nấm). Riêng bệnh nhân Điểu Khâm đã phục hồi và được xuất viện.

Theo bác sỹ Trần Đại Bảo, người dân thường dùng nhiều loại ấu trùng (nhộng) của các loài côn trùng (bọ cạp, đuông dừa, dế, ve…) làm thức ăn.

Những con nhộng sống trong môi trường đất có nguy cơ nhiễm và bị nấm ký sinh gây ngộ độc cấp tính nặng cho người dùng.

Độc tố nấm trên nhộng không bị phá hủy bởi nhiệt độ và không mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa. Thức ăn được chế biến từ nguyên liệu này sẽ gây ngộ độc sau khi ăn khoảng 2-3 giờ tùy lượng ăn.

Nếu nhộng bị nhiễm nấm chỉ ăn có một con vẫn nguy hiểm. Đặc biệt, tình trạng ngộ độc sẽ nặng hơn nếu uống rượu kèm theo.

"Người dân cần thận trọng khi sử dụng nhộng của các loài côn trùng làm thức ăn. Tuyệt đối không ăn các ấu trùng lạ khi không biết chính xác đó là loại gì, hoặc ấu trùng đã bị chết, ấu trùng có hình dạng, mà̀u sắc khác lạ với tự nhiên," bác sỹ Bảo khuyến cáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục