Bình Thuận: Hơn 130 tỷ đồng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết

Thời gian bán hàng bình ổn ở Bình Thuận được thực hiện trong 4 tháng (từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2020) và ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu...
Bình Thuận: Hơn 130 tỷ đồng dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để đảm bảo lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường dồi dào, giá cả ổn định, đồng thời đẩy mạnh đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, hải đảo để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán, tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Dự kiến, mức dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá Tết Nguyên đán năm 2020 là gần 135 tỷ đồng, trong đó, 8 đơn vị được phân bổ gồm: Công ty cổ phần Thương mại Bình Thuận (40 tỷ đồng); Siêu thị Co.opMart Phan Thiết (49,7 tỷ đồng); Siêu thị Co.opMart La Gi (18,1 tỷ đồng); Siêu thị Co.opMart Phan Rí Cửa (9 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty cổ phần Lương thực Nam Trung Bộ (1,2 tỷ đồng); Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dịch vụ Tùng Loan (10 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh tại Bình Thuận (4,6 tỷ đồng) và Trung tâm Dịch vụ miền núi (2,2 tỷ đồng).

Các đơn vị tham gia bán hàng bình ổn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi thuận lợi, đồng thời có trách nhiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa đảm bảo chất lượng, bán hàng đúng theo giá đã cam kết; kịp thời cung ứng đủ hàng khi thị trường biến động...

[Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Giá thịt lợn trong nước đã ''dịu xuống'']

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thời gian bán hàng bình ổn được thực hiện trong 4 tháng (từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2020) và ưu tiên tổ chức điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Ngoài việc bán hàng hóa trực tiếp tại các điểm bán cố định, các đơn vị tổ chức thêm bán hàng lưu động tại địa bàn các huyện trong tỉnh.

Để phục vụ Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020, chương trình bán hàng bình ổn tập trung vào mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn như gạo, nếp, thịt các loại, trứng các loại, đường, sữa, dầu ăn, mỳ tôm, rau củ quả các loại, muối iốt...

Các mặt hàng phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam... Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia chương trình phải bằng hoặc thấp hơn từ 5- 10% so với giá thị trường tại cùng thời điểm.

Để đảm bảo thị trường ổn định trước, trong và sau Tết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các ngành, các đơn vị đôn đốc việc thực hiện của doanh nghiệp để bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm; trong đó, chú ý đối với mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhân dân trên địa bàn với giá hợp lý.

Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án hoặc tham mưu, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết; chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, kiên quyết không để thiếu hụt thịt lợn và tăng cường bình ổn giá thị lợn trong dịp lễ, Tết năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục