Tuần báo Ah-Ahram vừa đăng bài phân tích về một số góc nhìn của Ai Cập đối với các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mới đây giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, trong đó nhận định rằng những thỏa thuận nói trên đã tạo ra “những làn gió đổi chiều” tại Trung Đông, song điều quan trọng hơn cần phải thực hiện là khởi động lại cuộc đàm phán giữa Palestine và Israel. Nội dung như sau:
Cuối tuần qua, một phái đoàn Israel đã đến thủ đô Manama của Bahrain, phát đi tín hiệu cho thấy mối quan hệ mới được bình thường hóa giữa Israel và quốc gia này đang được thúc đẩy. Và chỉ một ngày sau đó, phái đoàn này tiếp tục đến thủ đô Abu Dhabi của UAE.
Một hiện trạng mới ở Trung Đông đang thay đổi sau khi Israel chính thức ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với hai quốc gia Vùng Vịnh này tại Nhà Trắng hôm 15/9 vừa qua.
Các tuyến hàng hải đã được thiết lập giữa Israel và UAE, trong khi hợp tác kinh tế và khoa học đang được thảo luận ở cấp độ cao nhất.
Bên cạnh đó, các trung tâm nghiên cứu ở UAE, Israel và Mỹ đã đồng ý hợp tác trong các dự án chung, và các biện pháp chống khủng bố đang được thảo luận ở cấp độ song phương và ba bên.
Trong khi các quan chức ở Abu Dhabi và Manama nhấn mạnh hợp tác với Israel sẽ không bao gồm vấn đề an ninh hoặc tình báo, truyền thông Israel và nhiều nhà ngoại giao phương Tây trong khu vực lại đưa ra những thông điệp theo hướng ngược lại.
[Trung Quốc kêu gọi tổ chức diễn đàn mới giảm căng thẳng ở Trung Đông]
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Cairo (Ai Cập) nói: “Không có gì bất ngờ khi mục tiêu chính trong hợp tác của UAE và Bahrain với Israel là tạo ra một liên minh khu vực chống lại Iran. Đương nhiên, việc hợp tác chống lại Iran đòi hỏi sự phối hợp về tình báo và an ninh.”
Phản ứng trước thông báo hồi tháng 8/2020 của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận giữa Israel và UAE, các quan chức Iran cho biết “cách tiếp cận” của Tehran đối với các nước láng giềng Arab về cơ bản sẽ thay đổi và các lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ “để mắt” tới bất kỳ quốc gia nào ký kết hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel với một tính toán khác.
Tehran cũng tuyên bố sẽ buộc UAE phải chịu trách nhiệm về bất cứ điều gì xảy ra ở Vùng Vịnh mà gây ra “mối đe dọa dù là nhỏ nhất đối với an ninh quốc gia của Iran.”
Mối quan ngại về sự hiện diện của Israel ở hai quốc gia Arab Vùng Vịnh này không chỉ gói gọn đối với Iran. Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ rằng nhiều bên khác trong khu vực, bao gồm Chính quyền Palestine và các phong trào Hồi giáo khác đều đang cảm thấy lo lắng.
Phong trào Hamas của Palestine lo ngại rằng, một khi sự hiện diện của Israel ngày càng được củng cố trong khu vực, thì các nhân vật của Hamas sẽ càng có nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công.
Vào tháng 1/2010, đặc vụ tình báo của Israel được cho là đã ám sát Mahmoud Al-Mabhouh, thành viên chủ chốt của Hamas trong một khách sạn ở Dubai (UAE). Điều này đã xảy ra khi các mối quan hệ giữa UAE và Israel chưa được công khai.
Sự liên kết chặt chẽ giữa Hamas và Doha đã khiến các đối thủ vùng Vịnh của Qatar - gồm Saudi Arabia, Bahrain và UAE - quyết định bỏ rơi phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas và Jihad của Palestine.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa UAE và Mohamed Dahlan - cựu thành viên cấp cao phong trào Fatah - làm trầm trọng thêm những nghi ngờ về các phong trào kháng chiến, và việc UAE công khai ủng hộ kế hoạch của ông Trump (điều mà người Palestine hoàn toàn bác bỏ) đã làm gia tăng căng thẳng giữa UAE và tất cả các phe phái Palestine.
Nguồn tin của Hamas cho rằng sẽ nhầm lẫn nếu so sánh quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain cùng với quan hệ của nước này với Ai Cập và Jordan theo các hiệp ước hòa bình năm 1979 và 1994.
Ai Cập và Jordan có phần lãnh thổ bị Israel chiếm đóng và đã chọn ký kết hiệp ước hòa bình để chấm dứt tình trạng chiến tranh và giành lại đất đai của họ. Đó không phải là trường hợp của UAE và Bahrain.
Quy mô hoạt động hợp tác giữa Ai Cập và Jordan với Israel, ngay cả sau nhiều năm, vẫn chưa thể so được với những gì thế giới đang chứng kiến giữa UAE và Israel.
Các quan chức và nhà ngoại giao Israel thường xuyên phàn nàn rằng quan hệ với Ai Cập và Jordan không bao giờ tiến tới bình thường, và sử dụng thuật ngữ "hòa bình lạnh" để mô tả quan hệ của Israel với Ai Cập.
Đối với trường hợp của Amman, sự miễn cưỡng của người Jordan trong duy trì quan hệ với Israel có thể lý giải một phần do nhiều người Jordan có quan hệ dòng tộc với người Palestine, song Israel sẽ không bao giờ hiểu được vì sao người Ai Cập kiên quyết từ chối bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với họ.
Chỉ trong tuần này, khi UAE và Bahrain đang triển khai thỏa thuận hợp tác rộng rãi với Israel, các nghệ sĩ, nhà phê bình và trí thức Ai Cập đã ký một bản kiến nghị phản đối kế hoạch của Liên hoan phim El Gouna tôn vinh Gerard Depardieu vì mối quan hệ chặt chẽ của nam diễn viên người Pháp với Israel.
Kịch bản năm 2018 dường như lặp lại, khi Liên hoan phim Quốc tế Cairo phải chấp nhận dư luận và rút lại kế hoạch vinh danh nhà làm phim hàng đầu người Pháp Claude Lelouch.
Các nguồn tin ngoại giao khu vực nói rằng Israel còn lâu mới hài lòng với những gì họ coi là phản ứng không nhiệt tình của Cairo đối với các thỏa thuận bình thường hóa gần đây.
Họ cho rằng Ai Cập lo ngại về những phản ứng tiềm tàng của người dân nước này, và một phần vì Cairo lo lắng vai trò trung gian truyền thống của họ giữa Israel, Palestine và các nước láng giềng Arab đang bị suy yếu.
Cuối tháng 9 vừa qua, Đại sứ mới của Israel tại Ai Cập Amira Oron khi trình quốc thư tới Tổng thống Abdel-Fattah Al-Sisi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Cairo đối với các mối quan hệ của Israel trong khu vực.
Đại sứ Oron nói rằng mặc dù Israel sẽ tiếp tục theo đuổi quan hệ với nhiều quốc gia Arab hơn, song họ sẽ luôn đánh giá cao thỏa thuận hòa bình đầu tiên với Ai Cập.
Các nguồn tin chính phủ nói rằng quan hệ Ai Cập-Israel “vẫn tốt đẹp”. Hợp tác an ninh ổn định, các cuộc tham vấn chính trị diễn ra thường xuyên và ở cấp độ cao. Họ khẳng định Cairo không hề ghen tị với việc các nước Arab củng cố quan hệ với Israel.
Điều Ai Cập muốn là đảm bảo rằng sự nghiệp của người Palestine được giải quyết đồng thời với việc Israel bình thường hóa với bất kỳ quốc gia Arab nào.
Một quan chức Ai Cập tiết lộ Cairo đã khuyên Palestine xem xét các ý tưởng của Washington về một cơ chế dàn xếp. Ai Cập lo ngại rằng nếu người Palestine (chứ không phải giới lãnh đạo Palestine) cảm thấy cánh cửa để đạt được một thỏa thuận chính trị công bằng bị đóng lại, họ sẽ từ bỏ các cuộc đàm phán và điều đó sẽ làm cánh cửa đó bị khóa lại vĩnh viễn.
Cùng với sự phối hợp của Jordan, Pháp và Đức, Ai Cập đã đưa ra một cơ chế ngoại giao nhằm mục đích duy trì đàm phán giữa Palestine và Israel.
Khi đó, Cairo hy vọng không chỉ mang lại sự cân bằng đối trọng giữa những niềm lạc quan xung quanh việc bình thường hóa trong khu vực, mà còn giúp ngăn chặn người Palestine trượt vào quỹ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Trong khi các quan chức Ai Cập nói rằng Tehran rõ ràng đã bật đèn xanh cho Hezbollah ở Liban tham gia các cuộc đàm phán phân định ranh giới trên biển với Israel, Iran vẫn không sẵn sàng từ bỏ việc sử dụng Hamas để đe dọa Israel bằng các cuộc tấn công tiềm tàng.
Phía Ai Cập cho rằng đây là một mối lo ngại không thể bỏ qua, bất chấp việc Qatar làm trung gian hòa giải giữa Hamas và Israel để có một lệnh ngừng bắn lâu dài hơn thỏa thuận mà Ai Cập đã làm trung gian trong 5 năm qua. Cairo cũng bày tỏ quan ngại về sự phối hợp ngày càng tăng giữa Chính quyền Palestine và Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tổ chức một cuộc họp Hamas-Fatah để thúc đẩy các cuộc đàm phán liên Palestine nhằm chấm dứt sự chia rẽ kéo dài 15 năm giữa hai phe phái hàng đầu của Palestine.
Lộ trình bình thường hóa sớm muộn cũng sẽ được mở rộng hơn. Sudan đang xem xét nghiêm túc đề nghị của Mỹ về khả năng bắt đầu đàm phán với Israel trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để đổi lấy việc Washington đưa nước này ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Mặc dù một thỏa thuận với Sudan có thể không được đưa ra trước ngày 3/11, song nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, kế hoạch đó sẽ sớm được thực hiện, tiếp theo đó là thỏa thuận giữa Israel và Oman./.