Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh trong tháng Tư

Hãng Bloomberg đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới - trong thời gian tới ảm đạm, với lo ngại thêm nhiều thành phố khác bị phong tỏa để phòng dịch COVID-19.
Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh trong tháng Tư ảnh 1Người dân mua hàng trong siêu thị ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh chóng trong tháng Tư do ảnh hưởng của đợt bùng phát đại dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này và các biện pháp hạn chế để phòng dịch.

Dựa trên chỉ số tổng hợp của 8 chỉ số cảnh báo sớm về kinh tế Trung Quốc trong tháng này, Bloobmberg đánh giá chỉ số tổng thể rơi xuống ngưỡng suy giảm và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, cho thấy làn sóng dịch hiện nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thứ hai thế giới.

Chỉ số tổng thể của tháng Ba cũng được điều chỉnh giảm từ mức 5 xuống mức 4, chủ yếu do các chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng Ba giảm. Các chỉ số PMI đồng loạt giảm trong mọi lĩnh vực đánh dấu điểm quay đầu của nền kinh tế khi các ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh từ mức 100 ca/ngày lên 8.000 ca/ngày khiến giới chức phải triển khai các biện pháp phong tỏa và hạn chế trên cả nước.

Việc những thành phố lớn như Thượng Hải gia hạn các biện pháp phong tỏa trong tháng Tư tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc. Ngày 25/4, các thị trường chứng khoán tại nước này đồng loạt giảm điểm sau khi chính quyền thủ đô Bắc Kinh quyết định triển khai xét nghiệm trên diện rộng và áp lệnh phong tỏa ở một số khu vực của thủ đô.

[PBoC cam kết duy trì chính sách phù hợp để hỗ trợ kinh tế Trung Quốc]

Ngành dịch vụ đã bắt đầu chịu tác động từ tháng 3 khi tiêu dùng cá nhân giảm mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Nhiều khả năng các ngành như du lịch và nhà hàng sẽ chịu tác động tồi tệ hơn trong tháng 4 khi nhiều người dân nước này hạn chế ra ngoài để tuân thủ các quy định phòng dịch hoặc do lo ngại dịch bệnh.

Mặc dù lĩnh vực sản xuất dường như chịu tác động nhẹ hơn, hoạt động của các công ty vẫn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế lưu thông trên đường và qua các cảng biển, đặc biệt tại các khu vực trong và xung quanh thành phố Thượng Hải. Niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ trong tháng 4 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm.

Các nhà kinh tế Hunter Chan và Ding Shuang từ Standard Chartered nhận định hoạt động và nhu cầu của các công ty vừa và nhỏ đều giảm mạnh trong tháng Tư sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới lợi nhuận và động lực đầu tư của nhóm này.

Các nhà kinh tế này cho rằng những biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt và kéo dài sẽ ảnh hưởng hoạt động kinh tế trong các ngành cần nhiều lao động, các dịch vụ tiếp xúc và lĩnh vực bất động sản.

Bloomberg đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới ảm đạm, với lo ngại thêm nhiều thành phố khác bị phong tỏa để phòng dịch, theo đó Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022 như đã đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục