Bộ GTVT đưa giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc đăng kiểm dịp cuối năm

Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ và phòng ngừa nguy cơ ùn tắc đăng kiểm tại nhiều tỉnh thành trong dịp cuối năm.

Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm có thể xảy ra ở nhiều tỉnh, thành nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm có thể xảy ra ở nhiều tỉnh, thành nếu không quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ủy ban Nhân dân các địa phương đã hết sức quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tình thế cấp bách, căn cơ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Đánh giá tình trạng ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới đã cơ bản được giải quyết từ cuối tháng 6/2023 đến nay, tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết theo số liệu thống kê, dự báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, quý 4/2023 và quý 1/2024 khả năng một số địa phương có nguy cơ tái diễn ùn tắc phương tiện đến kiểm định.

Đơn cử như Bắc Kạn, Bình thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan tại địa phương khẩn trương khôi phục lại hoạt động các Trung tâm Đăng kiểm đã bị tạm dừng hoạt động và kiểm tra, đánh giá cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các Trung tâm Đăng kiểm.

Các tỉnh, thành chủ động tổng hợp, thống kê tình hình nhân sự đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn để tham mưu, đề xuất, dự báo tình hình và tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định xe cơ giới cho các Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn.

Ngoài ra, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn trong thực hiện các nhiệm vụ theo phân cấp quy định tại Nghị định số 30/2023; phối hợp với các địa phương khác, nơi có các Trung tâm Đăng kiểm dư thừa năng lực kiểm định để trưng dụng, bổ sung tạm thời lực lượng đăng kiểm viên cho các đơn vị trên địa bàn bị thiếu hụt nhằm khôi phục hoạt động thêm dây chuyền kiểm định, Trung tâm Đăng kiểm hiện vẫn đang bị dừng hoạt động (nếu có thể) hoặc báo cáo đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho đầu tư thêm mới Trung tâm Đăng kiểm khi chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành bố trí lực lượng, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các trung tâm đăng kiểm; tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân chủ động lựa chọn, đăng ký đặt lịch kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm, tránh tình trạng tập trung số lượng lớn phương tiện chờ tại khu vực lân cận cácTrung tâm Đăng kiểm dẫn đến ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông cục bộ.

vnp-dang-kiem-10-3585.jpg
Nhân viên đăng kiểm thực hiện quy trình kiểm định xe cơ giới. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành theo dõi, nắm bắt, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định, nhất là việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc ùn tắc phương tiện tại các Trung tâm Đăng kiểm để thực hiện các hành vi trục lợi (như nhận đăng kiểm hộ, giúp làm nhanh kiểm định, mua bán tem, giấy chứng nhận kiểm định...) gây bức xúc dư luận xã hội, mất niềm tin của nhân dân.

Địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác kiểm định phương tiện giao thông, trường hợp phát hiện các sai phạm phải kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với Trung tâm Đăng kiểm, đăng kiểm viên trong thực thi nhiệm vụ.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam trong hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, nhân viên làm công tác đăng kiểm; tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ nhằm ngăn ngừa các hành vi tiêu cực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục