Bộ GTVT giải ngân vốn đầu tư công vượt mức bình quân của cả nước

Trong tháng 8-9/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm, phấn đấu giải ngân 100% đối với nguồn vốn ngân sách trong năm nay.
Bộ GTVT giải ngân vốn đầu tư công vượt mức bình quân của cả nước ảnh 1Thi công mở rộng cầu Cao Bồ trên tuyến đường cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình - phân đoạn quan trọng của tuyến cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tổng vốn kế hoạch năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải được giao khoảng 39.762 tỷ đồng, tính đến hết 30/6/2020, bộ này đã giải ngân được 13.388 tỷ đồng (đạt 33,7% kế hoạch), trong khi bình quân chung của cả nước đạt khoảng 30,2%.

Với kết quả này, Bộ Giao thông Vận tải lần đầu tiên được đánh giá nằm trong top 9 bộ, ngành có kết quả giải ngân sáu tháng tốt nhất.

Sẽ điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm

Theo số liệu lấy từ Kho bạc Nhà nước, hết tháng 7/2020, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân được hơn 41%. Dự kiến, hết tháng 8/2020, bộ giải ngân đạt khoảng 57% và đến cuối tháng 9/2020 ước đạt khoảng 66%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (60%).

Trong tháng 8-9/2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục điều chuyển vốn của các dự án giải ngân chậm, phấn đấu giải ngân 100% đối với nguồn vốn ngân sách trong năm nay.

Riêng nguồn vốn ODA, Bộ Giao thông Vận tải được giao giải ngân gần 7.000 tỷ đồng. Dù việc giải ngân nguồn vốn này còn phụ thuộc vào phía nhà tài trợ nên rất khó khăn, song phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ quyết tâm giải ngân đạt kết quả.

Đối với 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách bao gồm một dự án đã hoàn thành (đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình), 13 dự án đang triển khai thi công theo tiến độ. Tính đến hết tháng 7/2020, 14 dự án giao thông quan trọng cấp bách giải ngân được 1.700/4.142 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công hai dự án nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào ngày 29/6/2020 theo đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ yêu cầu. Hết tháng 7/2020, dự kiến hai dự án giải ngân được 274 tỷ đồng (đạt 33% kế hoạch), còn lại 554 tỷ đồng giải ngân sẽ xong các tháng cuối năm nay.

[Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công với các dự án giao thông vận tải]

Lý giải một số nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả giải ngân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng hiện công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều công trình, dự án chưa đạt kế hoạch đề ra, đặc biệt là hạng mục xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...) của dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đi qua 13 tỉnh; hầu hết các địa phương đều có vướng mắc.

Một số dự án ODA còn gặp nhiều vướng mắc về cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổng mức đầu tư, thủ tục gia hạn hiệp định, đối chiếu thu-chi...

Một số dự án đang triển khai thực hiện thủ tục điều hòa, điều chỉnh kế hoạch trung hạn có tiến độ nhanh, nhu cầu giải ngân lớn nhưng vượt kế hoạch trung hạn đã giao cần điều chỉnh để có cơ sở bố trí vốn tiếp tục triển khai thi công…

Bất cập trong phê duyệt dự án

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận khó khăn trong việc giải ngân đầu tư công hiện nay là do công tác dự báo và lập kế hoạch bởi bộ vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa làm chủ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.

"Vốn được bố trí theo giai đoạn trung hạn 5 năm, trong khi đó thời gian chuẩn bị để phê duyệt dự án quá dài, thường kéo dài 2-3 năm, do đó thời gian còn lại để giải ngân vốn là rất ít," bộ trưởng cho hay.

Cũng theo bộ trưởng, trong giai đoạn trung hạn 2021-2025, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch trình Chính phủ với nguồn ngân sách khoảng 400.000 tỷ đồng. Trong số đó, ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc với các tuyến trọng yếu như cao tốc từ Cần Thơ tới Mũi Cà Mau, kết nối cao tốc lên Bắc Kạn, cao tốc Hà Nội-Hữu Nghị, cao tốc kết nối lên Móng Cái, cao tốc Hoà Bình-Mộc Châu-Sơn La…

“Để tránh việc kéo dài thời gian chờ đợi, chuẩn bị như hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã giao các ban quản lý dự án lập báo cáo tiền khả thi cho tất cả các dự án này,” Bộ trưởng Thể nói.

Để chủ động trong công tác điều hành kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình và đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đối với một số dự án cần thiết, cấp bách có khả năng giải ngân ngay khi được bố trí vốn, nhưng đã hết hạn mức kế hoạch trung hạn hoặc chưa có kế hoạch trung hạn.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ bộ xử lý các vướng mắc đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông để sớm đưa dự án vào khai thác, vận hành, đảm bảo điều kiện tiếp tục giải ngân vốn nước ngoài cho dự án.

Bộ Giao thông Vận tải cũng mong muốn các bộ, ngành sớm hướng dẫn thủ tục thanh toán cho các dự án BT; tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục điều hòa, điều chỉnh vốn ngân sách giữa nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn ngân sách... để đảm bảo có thể giải ngân hết nguồn vốn được Chính phủ giao.

Được biết, theo số liệu thống kê, tổng số kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông Vận tải được giao đến nay là 233.000 tỷ đồng. Thực tế bố trí kế hoạch hàng năm cho ngành chỉ được 161.000 tỷ đồng./.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 1053/QĐ-TTg thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục