Bộ trưởng Giao thông: “Nếu không sửa đường hỏng, chúng ta ra tòa hết”

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đường hay cầu xuống cấp phải khắc phục ngay, nếu không tốt sẽ dẫn đến chết người và có lỗi với dân, thấy làm không tròn trách nhiệm.
Bộ trưởng Giao thông: “Nếu không sửa đường hỏng, chúng ta ra tòa hết” ảnh 1Có những đoạn trên quốc lộ 1A mặt đường rất xấu. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Khẳng định bài học nhãn tiền vụ việc gia đình có nạn nhân tử vong vụ sập “ổ voi, ổ gà” ở tỉnh Phú Yên kiện và yêu cầu truy tố hình sự đơn vị để đường xấu, hư hỏng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đường hay cầu xuống cấp phải khắc phục ngay, nếu không tốt sẽ dẫn đến chết người và có lỗi với dân, thấy làm không tròn trách nhiệm.

“Nếu sửa chữa không kịp thời, hình thành ‘ổ voi, ổ gà’ thì chúng ta ra tòa. Bài học ở tỉnh Phú Yêu buộc ngành giao thông phải duy tu tốt,” Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

“Làm tốt tâm hồn thanh thản, ngủ ngon”

Tại Hội nghị tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào chiều ngày 3/1, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Tổng cục Đường bộ đang quản lý một khối tài sản khổng lồ từ đường Quốc lộ, cao tốc đến hệ thống cầu. Do đó, duy tu sửa chữa bảo dưỡng đường cần đảm bảo hệ thống cho tuyến đường để phục vụ dân, nếu không làm tốt thì một khối tài sản lớn sẽ hư hỏng ngay và không có nguồn lực xây dựng.

“Chúng ta vinh dự là cán bộ giao thông đường bộ, nếu làm tốt thì suy cho cùng là khai thác hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người dân. Làm tốt tâm hồn thanh thản, ngủ ngon, còn làm không đúng xem có yên tâm không? Nếu chúng ta quản lý mà để đường bộ xuống cấp, nhưng chúng ta không tham mưu thì có lỗi với dân và thấy làm không tròn trách nhiệm,” người đứng đầu ngành giao thông bày tỏ quan điểm.

[Dừng thu phí đường hỏng: Đánh thẳng vào 'túi tiền', nhà đầu tư có sợ?]

Theo Bộ trưởng, hiện tại còn hơn 16.000km đường bộ quá hạn trung, đại tu. Cơ quan chức năng phải tích cực hơn nữa trong đánh giá thực trạng để đề xuất, báo cáo Chính phủ bố trí kinh phí sửa chữa.

“Đã có Đoàn Đại biểu Quốc hội hỏi vì sao Bộ Giao thông Vận tải không sửa đường hỏng. Nếu không sửa, chúng ta ra tòa hết. Tài sản giao cho ngành giao thông mà hư hỏng thì cần phải đánh giá thực trạng, bảo vệ tài sản đang có. Trước hết, phải duy tu tốt, sau đó mới sửa chữa,” vị Tư lệnh ngành giao thông cho hay.

Đề cập đến việc xử lý các điểm đen tai nạn giao thông, theo ông Thể, năm 2019, Tổng cục Đường bộ cần chỉ đạo quyết liệt các đơn vị rà soát, tập trung xóa bỏ các điểm đen.

“Việc xóa bỏ điểm đen phải được xem là ưu tiên số một. Đây là nhiệm vụ mang tính nhân văn cao cả, biết mà không khắc phục ngay là có lỗi với dân. Các Sở Giao thông Vận tải phải chủ động kiểm tra, phát hiện phối hợp với Tổng cục loại bỏ những điểm đen nguy hiểm. Năm 2019, ngành giao thông phải phấn đấu xóa bỏ tất cả các điểm đen hiện hữu,” Bộ trưởng cam kết.

Thừa nhận Tổng cục đã thường xuyên tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm chất lượng tại các dự án BOT, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tại hiện trường, các Cục Quản lý đường bộ và một số Sở Giao thông Vận tải đã tiến hành kiểm tra công tác bảo dưỡng, sửa chữa các dự án BOT.

“Qua kiểm tra đã nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu nhiều dự án BOT khắc phục các tồn tại đồng thời phát hiện những phát sinh hư hỏng ngoài phạm vi hợp đồng để yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Trong năm 2018, Tổng cục đã quyết định dừng thu phí hai dự án là BOT Bắc Bình Định và cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do công tác bảo trì đường chưa tốt,” ông Cường cho biết.

Kiên trì giải quyết bất cập BOT giao thông

Cùng với việc giải quyết bất cập BOT giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng Bộ sẽ đẩy mạnh triển khai thu phí tự động không dừng sẽ mang lại nhiều lợi ích, khi thu phí dễ dàng, minh bạch, giám sát dễ hơn thu phí thủ công.

“Hoạt động của các trạm thu phí BOT ra sao mọi người đều thấy rõ. Không thể đổ lỗi cho lịch sử với vấn đề thu phí BOT, khi ngành đường bộ được thừa hưởng hệ thống hạ tầng giao thông như hiện nay, nên phải có trách nhiệm vận hành tốt, giải quyết các vướng mắc, bất cập,” Bộ trưởng cho hay.

[Bộ trưởng GTVT: Xử lý nghiêm đối tượng kích động, gây rối trạm phí BOT]

Đối với các trạm thu phí BOT đường bộ bất cập về vị trí, theo Bộ trưởng, dù Bộ đã báo cáo Chính phủ nhiều lần, nhưng vẫn phải thường xuyên báo cáo để cập nhật tình hình. Chính phủ đồng ý hay không phải đề xuất, trạm nào hồi tố hay hồi tố phải làm cho rõ, để vận hành trật tự.

“Chúng ta phải kiên trì với các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề BOT hiện nay, vì còn phải thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng giao thông. Quốc lộ nào quá tải thì phát triển cao tốc song hành để thu phí. Chúng ta còn nhiều dư địa để làm cao tốc, ai thích đi dịch vụ tốt thì trả tiền,” Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Giao thông: “Nếu không sửa đường hỏng, chúng ta ra tòa hết” ảnh 2Người dân phản đối một trạm thu phí BOT. (Nguồn: TTXVN)

Nhấn mạnh một trong nhiệm vụ quan trọng của các dự án BOT đó là thu phí tự đồng không dừng, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phải đẩy nhanh áp dụng thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT đường bộ, nhiệm vụ này đã được Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt.

Theo Bộ trưởng, thu phí tự động không dừng mang lại nhiều lợi ích, khi thu phí dễ dàng, minh bạch, giám sát dễ hơn thu phí thủ công tuy vậy ông cũng phải lưu ý vấn đê giám sát, để không xảy ra trường hợp như một số cá nhân bị khởi tố vì sử dụng phần mềm giấu doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương mới đây.

Liên quan đến công tác triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), đã vận hành là 26 trạm/19 làn, 7 trạm/18 làn xe đang vận hành thử. Đến nay, 364 điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ đầu cuối đã được thiết lập. Số lượng thẻ dán được đến ngày 20/12/2018 là 680.000 thẻ.

[Thu phí không dừng: Nhà đầu tư BOT có 'sợ' Bộ GTVT dọa dừng thu?]

Để nâng cao hiệu quả của hệ thống thu phí tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện, ông Cường cho rằng, hệ thống thu phí tự động không dừng cần triển khai đồng loạt ở tất cả các cửa thu phí. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã có chỉ đạo phải triển khai thu phí tự động không dừng ở tất cả các làn thu phí, chỉ duy trì một làn ngoài cùng chiều xe chạy tổ chức thu hỗn hợp.

“Tổng cục Đường bộ đang yêu cầu các nhà đầu tư BOT bàn giao toàn bộ trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí trước 30/3/2019 để triển khai thu phí tự động không dừng,” ông Cường khẳng định./.

Bắt 5 đối tượng trốn thuế tại BOT cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục