Bộ trưởng Kim Tiến tham dự Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới

Tham dự phiên họp lần thứ 69 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh hợp tác trong đảm bảo sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng.
Bộ trưởng Kim Tiến tham dự Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới ảnh 1Nhân viên y tế thôn bản hướng dẫn bà mẹ chăm sóc sơ sinh tại xã Cà Tạ, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

“Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi” là mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030, một trong các vấn đề được tập trung bàn thảo tại phiên họp lần thứ 69 Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), diễn ra từ ngày 23 đến 28/5 tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).

Sự kiện quy tụ 3.500 đại biểu, đại diện cho 194 quốc gia thành viên của WHO.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đầu.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác cùng tham gia các hoạt động của đoàn.

Tại sự kiện được tổ chức thường niên vào tháng Năm tại Geneva, các đại biểu tập trung thảo luận việc tiếp tục cải cách WHO và các vấn đề y tế trong Chương trình phát triển bền vững tới năm 2030. Trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030, được cộng đồng quốc tế thông qua vào tháng Chín năm 2015, WHO tập trung vào mục tiêu “Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.”

Ngoài ra, WHO còn chú trọng đến tăng cường hệ thống, phương tiện y tế, đảm bảo chăm sóc y tế trên toàn cầu, an toàn cho cộng đồng trước các nguy cơ dịch bệnh.

Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 69 Đại hội đồng WHO, Tổng giám đốc WHO, Tiến sỹ Margaret Chan đã nhấn mạnh đến những thiếu sót, yếu kém của cộng đồng quốc tế trong quá trình chuẩn bị đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm lây lan rộng rãi như Ebola, Zika...

Tổng Giám đốc WHO cảnh báo trong một thế giới liên kết chặt chẽ, với sự dịch chuyển của con người ngày càng gia tăng, ít có các mối đe dọa y tế nào dừng lại ở cấp độ vùng miền, khu vực mà luôn nhanh chóng lây lan trên tầm liên quốc gia, liên lục địa. Điều này cho thấy sự cần thiết việc WHO phát triển một chương trình đối phó với các vấn đề y tế khẩn cấp, bằng việc thành lập một đội ngũ chuyên gia đảm trách quá trình đánh giá nguy cơ, phân loại các sự kiện, lên kế hoạch và xử lý tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, bà Margaret Chan cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ mà cộng đồng thế giới đã đạt được trong khuôn khổ những cam kết về "Mục tiêu Thiên niên kỷ" về phát triển như giảm 19.000 ca tử vong trẻ em, tỷ lệ tử vong của bà mẹ đã giảm 44% và 85% các ca bệnh lao đã được điều trị khỏi.

Tại châu Phi, số lượng người chết do bệnh sốt rét đã giảm tới 60%, hơn 15 triệu người chung sống với virus HIV/AIDS đã được sử dụng thuốc kháng virus, so với số lượng 690.000 người bệnh được sử dụng thuốc ghi nhận vào năm 2000.

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến tham dự phiên họp toàn thể Đại hội đồng WHO với bài phát biểu mang chủ đề: “Thay đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự tới năm 2030 vì phát triển bền vững."

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định Việt Nam đã hoàn thành các "Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" chủ yếu liên quan đến y tế, sức khỏe cộng đồng, điển hình là giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em.

Quan trọng hơn nữa, xã hội, cộng đồng có thay đổi nhận thức cơ bản đối với các vấn đề y tế, sức khỏe con người, điều này không chỉ thể hiện trong các quyết sách chính trị, với cam kết đóng góp, hợp tác của các ngành, các cấp, với việc huy động, sử dụng nguồn nhân lực, tài chính một cách hiệu quả mà còn trở thành mối quan tâm chung của toàn dân, thu hút sự tham gia đóng góp của toàn xã hội trong vấn đề bảo đảm sức khỏe con người.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận Việt Nam còn phải đối phó với nhiều thách thức như khoảng cách giữa các vùng miền và cộng đồng dân cư trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, thiếu nhân lực y tế, hợp tác liên ngành, liên khu vực còn hạn chế, năng lực cung cấp các phương tiện, dịch vụ y tế chưa tương xứng với yêu cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các vấn đề biến đổi khí hậu, gây ra những tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân.

Phát biểu với cương vị Chủ tịch Hội nghị các Bộ trưởng Y tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ với các đại biểu tại Đại hội đồng WHO về tầm nhìn và các ưu tiên của ASEAN sau năm 2015, phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Từ tầm nhìn: “Một cộng đồng ASEAN khỏe mạnh, được chăm sóc và bền vững," chương trình Phát triển y tế của ASEAN giai đoạn 2015-2020 bao gồm 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên: tăng cường lối sống lành mạnh; ứng phó với mọi nguy cơ và mối đe dọa bệnh dịch, tăng cường hệ thống y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngành y tế ASEAN cố gắng không ngừng nhằm đưa vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân vào nội dung các cam kết chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế của từng quốc gia và hiệp hội nói chung.

Bộ trưởng Y tế Việt Nam cũng kêu gọi WHO và các đối tác quốc tế giúp đỡ các thành viên ASEAN, nhất là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam, trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia cũng như tăng cường năng lực quốc gia nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững.

Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam khẳng định hợp tác sẽ đảm bảo thành công trong việc mang lại sức khỏe và cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục