Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định khung giá khám bệnh theo yêu cầu

Theo thông tư mới này, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại cơ sở khám bệnh-chữa bệnh hạng đặc biệt, hạng 1 có giá tối thiểu là 100.000 đồng và giá tối đa là 500.000 đồng.
Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định khung giá khám bệnh theo yêu cầu ảnh 1Nhân viên y tế thực hiện siêu âm ổ bụng cho một bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 1/7, theo thông tin từ Bộ Y tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp.

Theo đó, việc ban hành Thông tư nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, mục đích ban hành Thông tư Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật.

[Có 12.455 cơ sở y tế khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp]

Việc này cũng đồng thời khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

Bên cạnh đó, Thông tư góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói bảo hiểm bổ sung.

Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, về phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước cung cấp theo phương pháp xây dựng giá quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; quy định thẩm quyền phê duyệt giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho đối tượng là người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu (chiếm tỷ lệ từ 5-10% tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương, tuyến huyện gần như không có).

Người có thẻ bảo hiểm y tế vẫn thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 13/2018/TT-BYT; người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì thực hiện chi trả theo mức giá quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BYT. Do vậy, Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Theo thông tư mới này, khung giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm…) tại cơ sở khám bệnh-chữa bệnh hạng đặc biệt, hạng 1 có giá tối thiểu là 100.000 đồng và giá tối đa là 500.000 đồng. Giá khám bệnh ở các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có giá từ 30.500 đồng (tối thiểu) và giá tối đa là 300.000 đồng.

Riêng trường hợp mời nhân lực trong nước, nước ngoài đến khám, tư vấn sức khoẻ: đơn vị được thu theo giá thoả thuận giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.

Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định khung giá khám bệnh theo yêu cầu ảnh 2Giá giường bệnh theo Thông tư mới được quy định chi tiết. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Về khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế khác…): loại 1 giường/phòng có giá tối thiểu là 180.000 đồng, giá tối đa là 4 triệu đồng; Loại 2 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 3 triệu đồng; loại 3 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 2,4 triệu đồng; loại 4 giường/phòng có giá tối thiểu là 150.000 đồng, giá tối đa là 1 triệu đồng…

Tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20%

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, cơ sở y tế thực hiện cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh phải tuân thủ nguyên tắc: Phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ; Công khai, minh bạch danh mục, mức giá dịch vụ do cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp; Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải thực hiện hạch toán, quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư cũng quy định một số chỉ tiêu chất lượng, nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia khám chữa bệnh yêu cầu tối đa 30%.

Về hiệu quả tác động, theo Bộ Y tế việc ban hành Thông tư sẽ hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thực hiện và xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật. Từ đó sẽ giúp quản lý chặt chẽ và tốt hơn vấn đề cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Việc ban hành Thông tư số 13/2023/TT-BYT Quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; khuyến khích các đơn vị chủ động, tích cực triển khai và đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng.

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ được tái đầu tư để tiếp tục đầu tư, phát triển kỹ thuật. Tạo điều kiện để huy động ngân sách nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn không thu hút được nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách về y tế cơ sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục