Boko Haram bắt cóc các nhân viên y tế tại miền Tây Cộng hòa Chad

Quân đội Cộng hòa Chad đã mở cuộc tìm kiếm 1 bác sỹ, 1 y tá và 1 tài xế bệnh viện bị các tay súng Boko Haram bắt cóc trên đường tới thị trấn Tchoukouliya, phía Bắc của vùng Hồ Chad.
Binh sỹ CH Chad sau khi tham gia chiến dịch chống Boko Haram tại N'djamena ngày 11/12/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ CH Chad sau khi tham gia chiến dịch chống Boko Haram tại N'djamena ngày 11/12/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nguồn tin quân sự ngày 31/10 cho biết các tay súng Boko Haram đã bắt cóc một bác sỹ, y tá và lái xe của một bệnh viện tại miền Tây Cộng hòa Chad.

Theo chính quyền địa phương, nhóm y tế trên đã bị bắt cóc vào ngày 30/10, khi đang trên đường tới thị trấn Tchoukouliya, phía Bắc của vùng Hồ Chad, vốn là thành trì của Boko Haram.

Những kẻ bắt cóc đã đưa họ đi trên một chiếc xuồng.

Một quan chức quân đội giấu tên của Cộng hòa Chad xác nhận 3 nạn nhân trên đều là nhân viên của một bệnh viện tại Bagassoula.

Tất cả đều là công dân Cộng hòa Chad và họ đã không thông báo cho nhà chức trách về chuyến đi.

[Cộng hòa Chad ban bố tình trạng khẩn cấp ở hai tỉnh miền Đông]

Đây là vụ bắt cóc đầu tiên nhằm vào các nhân viên y tế trong khu vực, nơi Boko Haram đã tấn công nhiều ngôi làng và bắt cóc chủ yếu là phụ nữ.

Quân đội đã mở cuộc tìm kiếm các nạn nhân.

Đầu tháng Chín vừa qua, Boko Haram đã sát hại 4 dân thường và 3 binh sỹ tại đúng khu vực nơi xảy ra vụ bắt cóc trên.

Nhóm phiến quân Boko Haram bắt đầu tiến hành các hoạt động chống phá tại khu vực Đông Bắc Nigeria từ năm 2009, với âm mưu thiết lập cái gọi là một nhà nước Hồi giáo, sau đó mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng Niger, Cameroon và Chad.

Ước tính đã có 35.000 người thiệt mạng trong các vụ tấn công và chiến dịch quân sự nhằm vào Boko Haram kể từ năm 2009.

Năm 2015, các nước trong vùng Hồ Chad và Benin đã thành lập lực lượng chung chống Boko Haram với sự hỗ trợ của các nhóm dân quân địa phương.

Theo Liên hợp quốc, chỉ riêng trong năm nay, bạo lực do Boko Haram tiến hành đã khiến 140.000 người phải dời bỏ nhà cửa, 3 triệu người sống trong cảnh thiếu lương thực do nông dân không thể trồng trọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục