Brazil đưa ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran

 Giải pháp của Brazil cho vấn đề hạt nhân Iran là đề nghị một nước trung gian đóng vai trò lưu cất và làm giàu urani giúp Tehran.
Ngoại trưởng Brazil Celso Amorim ngày 23/3 đã đưa ra giải pháp cho vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran, theo đó đề nghị một nước trung gian đóng vai trò lưu cất và làm giàu urani giúp Tehran.

Phát biểu sau cuộc gặp Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano, Ngoại trưởng Amorim nhận định tiến hành (quá trình làm giàu urani) một cách riêng biệt tại một cơ sở tin cậy, có thể là tại một nước thứ ba, là một giải pháp thích hợp khi mà giữa Iran và phương Tây còn nhiều nghi kỵ.

Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ, quốc gia trung lập đảm nhiệm vai trò này “không nhất thiết phải là Brazil.”

Ngoại trưởng Amorim nhận định vấn đề lớn nhất trong giải pháp này là tìm ra một cơ chế thích hợp để Iran có thể giao dự trữ urani của mình cho một nước trung lập và sau đó nhận lại năng lượng sản xuất từ nguồn tài nguyên này.

Ông một lần nữa thúc giục cộng đồng quốc tế thương lượng với Iran thay vì tìm kiếm các biện pháp trừng phạt.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Amano chưa bày tỏ quan điểm trước đề nghị của Brazil và cho biết, ông đã nhận được lời mời tới thăm Iran nhưng chưa quyết định thời điểm của chuyến công du này.

Mới đây, Iran cũng tuyên bố sẵn sàng trao đổi 1.200 kg urani làm giàu cấp độ thấp để đổi lấy 120 kg urani đã làm giàu 20% nhưng phải trong lãnh thổ của nước này.

Tuy nhiên, các nước phương Tây đã phản đối ý tưởng trên và thúc giục Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 23/3, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, Nga và Trung Quốc đã bí mật yêu cầu Iran thay đổi lập trường của nước này xung quanh vấn đề hạt nhân và chấp nhận yêu cầu trao đổi nhiên liệu nguyên tử của Liên hợp quốc.

Theo các nhà ngoại giao phương Tây tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các cuộc tiếp xúc ngoại giao trên đã diễn ra ở Tehran trong khoảng đầu tháng Ba.

Tại đây, Nga và Trung Quốc đã đưa ra quyết định nhằm nỗ lực thúc ép Iran thay đổi lập trường về vấn đề hạt nhân, đặc biệt là liên quan tới lò phản ứng khảo sát Tehran.

Phía Nga và Trung Quốc đã nói rằng lập trường của họ (về một biện pháp trừng phạt mới) phụ thuộc vào phản ứng của Iran về quyết định trên.

Cùng ngày, chính quyền Mỹ đã cảnh báo người dân nước này không nên tới Iran vào thời điểm này do lo ngại thái độ thù địch Tehran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục