Brazil triển khai chiến dịch lớn ngăn chặn nạn phá rừng Amazon

Kết quả phân tích dữ liệu của hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm cho thấy tốc độ phá rừng rậm nhiệt đới Amazon đang gia tăng và tháng Năm vừa qua đã ghi nhận mức độ nhanh nhất trong một thập niên qua.
Brazil triển khai chiến dịch lớn ngăn chặn nạn phá rừng Amazon ảnh 1Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại bang Para, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan bảo vệ môi trường của Brazil IBAMA đã phát động một chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay nhằm ngăn chặn nạn lâm tặc đang ngày càng hoành hành tại rừng Amazon.

Thông báo ngày 5/6 của Bộ Môi trường Brazil, bộ chủ quản của IBAMA, cho biết nhằm hỗ trợ binh sỹ và lực lượng cảnh sát địa phương, bộ trên đã cử 165 đặc vụ tới các bang Acre, Amazonas, Maranhão, Mato Grosso, Pará, Rondonia và Roraima.

Nhiệm vụ của lực lượng mới tăng cường này là khoanh vùng các khu vực lâm tặc hoạt động ráo riết nhất để hạn chế tối đa những thiệt hại đối với môi trường.

[Video] Mất hơn 900.000 ha rừng Amazon trong vòng 30 năm

Kết quả phân tích dữ liệu của hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm cho thấy tốc độ phá rừng rậm nhiệt đới Amazon đang gia tăng và tháng Năm vừa qua đã ghi nhận mức độ nhanh nhất trong một thập niên qua.

Theo Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ Brazil (INPE), hệ thống báo động DETER ghi nhận diện tích rừng bị phá trong tháng Năm lên tới 739km2. Con số này cao hơn so với 550km2 ghi nhận cùng thời điểm năm ngoái, và cao gấp đôi so với diện tích rừng bị phá hai năm trước. Tháng Năm thường là tháng hoạt động chặt phá rừng gia tăng sau mùa mưa ở Brazil.

Các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp là do kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Jair Bolsonaro đã nới lỏng hoạt động bảo vệ môi trường khi giải thể một số cơ quan hoạt động trong lĩnh vực này, giảm ngân sách thực thi các chương trình trong khuôn khổ các đạo luật môi trường cũng như thể hiện sự hoài nghi về các biện pháp chống biến đổi khí hậu.

Mặc dù là quốc gia sở hữu nhiều nhất diện tích "lá phổi xanh" của Trái Đất, nhưng Brazil cũng là nước mất nhiều rừng nhất trong năm 2018 với gần 16.187km2. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phá rừng phục vụ cho hoạt động chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành hay khai thác mỏ.

Không những thế, các nhà hoạt động môi trường của nước này đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ diện tích rừng Amazon sẽ còn bị thu hẹp hơn nữa do chính phủ của Tổng thống Bolsonaro từng tuyên bố kế hoạch khám phá và khai thác nguồn tài nguyên tự nhiên của khu rừng già này để phục vụ các lợi ích về kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục