Brexit: Trưởng đoàn đàm phán EU quyết tâm đạt thỏa thuận với Anh

Việc EU và Anh không đạt được thỏa thuận có thể gây tác động mạnh đến thương mại. Ước tính, Anh sẽ phải gánh chịu khoản thiệt hại lớn gấp 3 lần thiệt hại do COVID-19 gây ra.
Brexit: Trưởng đoàn đàm phán EU quyết tâm đạt thỏa thuận với Anh ảnh 1Trưởng đoàn đàm phán thương mại hậu Brexit của EU Michel Barnier. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) quyết tâm đạt được thỏa thuận thương mại Brexit với Anh song sẽ kiên quyết và thực tế với London sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định phá vỡ thỏa thuận.

Đây là tuyên bố được trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đưa ra ngày 23/9 ngay khi đặt chân tới London, trước thềm cuộc đàm phán không chính thức với Anh. 

Anh đã rời EU vào tháng 1 vừa qua, song vẫn tuân thủ các quy định của châu Âu cho đến hết năm 2020. Trong khoảng thời gian này, hai bên hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tự do.

Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán vẫn đang bế tắc trong vấn đề tiếp cận vùng biển Anh của ngư dân các nước EU, cạnh tranh công bằng giữa các công ty của EU và Anh cũng như một cơ cấu giải quyết tranh chấp trong tương lai.

Sau khi Thủ tướng Johnson công bố Dự luật Thị trường Nội địa - được cho là sẽ rũ bỏ các cam kết với EU theo thỏa thuận Brexit, EU đã yêu cầu ông rút lại động thái này. 

Phát biểu khi đến London, ông Barnier khẳng định quyết tâm đạt được thỏa thuận thương mại Brexit với Anh.

Mặc dù không đưa ra bình luận về Dự luật Thị trường Nội địa, song ông khẳng định đoàn đàm phán EU sẽ giữ thái độ bình tĩnh, tôn trọng, kiên quyết và thực tế với phía Anh.

Việc EU và Anh không đạt được thỏa thuận có thể gây tác động mạnh đến thương mại. Nghiên cứu mới do tổ chức Changing Europe hợp tác với Trường Kinh tế London cho rằng nếu không đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU, nền kinh tế Anh sẽ phải gánh chịu khoản thiệt hại lớn gấp 3 lần so với thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Dự kiến, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán chính thức tiếp theo tại Brussels vào tuần tới trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 1-2/10 nhằm đánh giá tiến triển và quyết định liệu EU có nên chuẩn bị cho kịch bản Brexit "cứng" hay không.

[Brexit không thỏa thuận khiến Anh thiệt hại gấp 3 lần so với COVID-19]

Trong một diễn biến khác, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và người đồng cấp Anh Boris Johnson ngày 23/9 đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương, trong đó thúc đẩy thương mại tự do thời hậu Brexit. 

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga cho biết Nhật Bản hoan nghênh sự quan tâm của Anh về việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Suga cho biết Nhật Bản hy vọng Anh sẽ đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về mối quan hệ tương lai Anh-EU vào cuối giai đoạn chuyển tiếp là tháng 12 tới.

Hiện nhiều công ty của Nhật Bản hoạt động tại châu Âu có trụ sở tại Anh, và nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và phối hợp chặt chẽ những nỗ lực nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Nhật Bản và Anh đang hướng đến việc thực hiện một hiệp định thương mại, trong đó phần lớn là dựa trên thỏa thuận Nhật Bản-EU hiện nay, vào tháng 1/2021 nhằm bảo đảo tính liên tục trong mối quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước. 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết Thủ tướng Suga và Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đã nhất trí cùng phối hợp nhằm tổ chức thành công Olympic và Paralympic Tokyo dự kiến diễn ra vào năm sau.

Hai bên khẳng định cam kết tổ chức một cách an toàn cho cả vận động viên và khán giả, sau khi những sự kiện trên vốn đã được hoãn sang mùa Hè năm sau do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trên toàn cầu.

Ban tổ chức Thế vận hội mùa Hè Tokyo và IOC đã nhất trí đơn giản hóa các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện thể thao này nhằm giảm chi phí. Dự kiến, hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận trong tháng này về các hoạt động cụ thể được cắt giảm, trong đó có số lượng người tham gia, các sự kiện và nghi lễ liên quan. 

Thủ tướng Suga cam kết với Chủ tịch IOC rằng chính quyền của ông sẽ nỗ lực để kiểm soát đại dịch COVID-19, đồng thời luôn giữ liên lạc giữa chính quyền thủ đô Tokyo và ban tổ chức để xác định các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

Về phần mình, Chủ tịch IOC Thomas Bach chúc mừng ông Suga đã nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản và nhấn mạnh Thế vận hội mùa Hè Tokyo sẽ là một "sự kiện lịch sử" đem lại hy vọng cho người dân Nhật Bản. 

Trong ngày 23/9, Thủ tướng Suga cũng đã có cuộc gặp Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức, trong đó hai bên khẳng định hợp tác về việc chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo và cách thức ứng phó với đại dịch. 

Theo kế hoạch ban đầu, Olympic và Paralympic mùa Hè Tokyo 2020 sẽ diễn ra tại Nhật Bản trong tháng 7 và tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, IOC và Nhật Bản đã thống nhất hoãn tổ chức các sự kiện này và lùi đúng một năm.

Mặc dù vậy, tên gọi sự kiện vẫn gắn liền với dấu mốc thời gian năm 2020. Olympic Tokyo dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8/2021, tiếp đó là Paralympic diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục