Bước đi 'được ăn cả, ngã về không' của Tổng thống Pháp Macron

Sự sẵn sàng cho việc đổi mới là trụ cột của hình ảnh Tổng thống Macron, người mà theo những người ủng hộ có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng từ 30 năm trước đó.
Bước đi 'được ăn cả, ngã về không' của Tổng thống Pháp Macron ảnh 1Người dân Paris chuyển đổi phương tiện lưu thông khi mạng lưới giao thông công cộng tê liệt do đình công, ngày 5/12/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Emmanuel Macron đã biến "cải cách" thành thương hiệu của mình. Đây cũng chính là lý do đưa ông lên đến đỉnh cao quyền lực.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ứng cử viên Macron đã thể hiện mình sẽ là người lãnh đạo sự chuyển biến sâu sắc của đất nước.

"Sự phân tách thực sự ngày nay là giữa những người theo chủ nghĩa bảo thủ và những nhà cải cách tiến bộ," như ông viết trong cuốn sách mang tựa đề "Cách mạng," xuất bản vào cuối năm 2016.

Ba năm sau, nỗ lực và tính cách táo bạo, không lùi bước trước mọi chướng ngại vật, vẫn là sức mạnh chính của vị nguyên thủ quốc gia trẻ tuổi này.

[Pháp: Bãi công quy mô lớn phản đối kế hoạch cải cách của chính phủ]

Sự đánh giá rằng "ông dám thực hiện những cải cách không như số đông mong đợi nhưng lại cần thiết" là lý do chính khiến cho 39% số người dân Pháp được hỏi ủng hộ hành động của Macron, theo kết quả cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Harris Interactive vừa công bố.

Trong các cuộc thăm dò ý kiến, Emmanuel Macron ban đầu được coi là một nhà cải cách, ông Frédéric Dabi, Phó tổng giám đốc Viện nghiên cứu IFOP xác nhận.

Sự sẵn sàng cho việc đổi mới là trụ cột của hình ảnh Tổng thống Macron, người mà theo những người ủng hộ có thể giải quyết các vấn đề tồn đọng từ 30 năm trước đó.

Bối cảnh đó đủ để tóm tắt thách thức quan trọng mà Tổng thống Macron phải đối mặt, trước cuộc tổng đình công vào ngày 5/12 gần như làm tê liệt đất nước: Thông qua việc thay đổi hệ thống lương hưu, ông Macron phát huy khả năng tiếp tục hành động cải cách.

Theo một nguồn tin chính phủ, "lương hưu là một bài toán thử nghiệm lớn. Nếu chúng tôi trì hoãn, nhiệm kỳ 5 năm sẽ kết thúc, và không ai làm gì nữa."

Đánh giá này nhận được sự đồng tình lớn trong nội bộ đảng cầm quyền. Người phát ngôn của đảng Nền Cộng hòa tiến bước Aurore Bergé nhấn mạnh: "Chế độ lương hưu sẽ là tâm điểm, đánh dấu khả năng cải tổ của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ được đánh giá về khả năng giữ vững chủ đề này."

Như vậy, sẽ không có chuyện trì hoãn sự cải cách mang tính biểu tượng này và nhượng bộ trước sức ép của các nghiệp đoàn. Hầu hết những người ủng hộ không tin sẽ xảy ra một kịch bản đen như năm 1995, khi Thủ tướng Alain Juppé lúc đó bị buộc phải từ bỏ kế hoạch cải cách các chế độ đặc biệt, dưới áp lực của người biểu tình.

Ngay cả trước nguy cơ đất nước bị tê liệt do các cuộc đình công và biểu tình trên diện rộng, nhất là trong lĩnh vực giao thông công cộng, bắt đầu từ "thứ 5 đen tối" ngày 5/12, ông Macron vẫn thể hiện quyết tâm sắt đá sẽ hoàn thành lời hứa đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống, theo đó ông đã đầu tư phần lớn vốn chính trị của mình.

"Tôi muốn đi đến cùng công cuộc cải cách này, tôi nghĩ rằng điều đó là cần thiết cho đất nước, vì vậy tôi sẽ bảo vệ nó," ông Macron khẳng định trong khi Thủ tướng Edouard Philippe tỏ ra "quyết tâm hơn bao giờ hết."

Vẫn còn phải xem liệu chính phủ sẽ có thể giữ vững lập trường trước các cuộc đình công và biểu tình lớn và kéo dài hay không.

Ngoài những lời tuyên bố và phát biểu chính thức, một số gương mặt thân cận của chính phủ tỏ ra e ngại nếu bạo lực lại tái diễn, khi đó sự việc sẽ trở nên tồi tệ hơn và phức tạp hơn.

Chẳng phải chính phủ của ông Macron đã buộc phải chi ra 17 tỷ euro để làm dịu cuộc khủng hoảng "Áo vàng" cách đây một năm hay sao?

Cho đến nay, dù hành động với một quyết tâm cao, đôi khi chính phủ có dấu hiệu nhượng bộ đáng ngạc nhiên trong một số vấn đề. Ví dụ ngày 26/11, chính phủ đã quyết định trì hoãn kế hoạch hạn chế sử dụng và tái chế chai nhựa, để không chống lại các vị dân biểu địa phương.

Một tháng trước đó, chính phủ đã từ bỏ việc cắt giảm 45 triệu euro ngân sách của các sở nông nghiệp, và đồng ý hủy bỏ một điều khoản bị các luật sư phản đối vì tính toán chế độ nghỉ hưu của họ.

Vào cuối tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Philippe đã phải từ bỏ ý định ngừng giảm thuế cho những người trên 70 tuổi làm việc tại nhà, vì sợ một làn sóng phản đối mới từ lực lượng hưu trí.

Ngay cả kế hoạch cải tổ hệ thống lương hưu cũng bị ảnh hưởng bởi sự do dự này.

Thủ tướng Philippe tuy không thỏa hiệp, nhưng cũng nói "sẵn lòng thảo luận" với các nghiệp đoàn. Hơn nữa, chính phủ đồng ý lùi thời hạn bắt đầu có hiệu lực của cải cách này đến sau năm 2025. Đây là một phương cách nhằm đạt được việc chuẩn y kế hoạch bằng mọi giá, ngay cả khi nó ít tham vọng hơn dự kiến ban đầu.

Sự thận trọng của chính phủ trong những tuần gần đây đã khiến các đảng phái cánh hữu có dịp phản ứng.

Theo họ, cuộc khủng hoảng "Áo vàng" đã dẫn bộ máy điều hành đến tình trang tê liệt.

"Chính phủ dường như không sẵn sàng thực hiện bất kỳ cải cách can đảm nào nữa," ông Damien Abad, thủ lĩnh nhóm nghị sỹ thuộc đảng Những người Cộng hòa nhận xét.

Theo ông, Tổng thống Macron đã mất đi sự táo bạo cải cách của những ngày đầu.

Một nghị sỹ thậm chí còn mỉa mai: "Sau nửa nhiệm kỳ đầu khua chiêng gõ trống, nửa nhiệm kỳ cuối đang bò với tốc độ ốc sên."

Trước những lời chỉ trích, ông Macron không tỏ ra nhụt chí. "Tôi ở đây để tiếp tục cải cách đất nước. Tôi sẽ không dừng lại," ông nói, và khẳng định không muốn lấy lòng mọi người bằng cách không hành động gì. Không có chuyện đánh mất hình ảnh của một con người táo bạo, thế mạnh chính của vị nguyên thủ trẻ tuổi. "Nhất định phải tiếp tục cải cách," "Luôn vận động là yếu tố xây dựng nên đảng Nền Cộng hòa tiến bước," đó là những lời kêu gọi của phe ủng hộ tổng thống.

Bước đi 'được ăn cả, ngã về không' của Tổng thống Pháp Macron ảnh 2Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đối với những người ủng hộ, ông Macron không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục các chính sách "cải tổ" nếu ông muốn tiếp tục giữ vị trí đứng đầu đất nước vào năm 2022.

Theo một người thân cận, Tổng thống nghĩ rằng chừng nào ông còn thực hiện cải cách, ông sẽ không mất 25% số phiếu cơ sở của mình.

Ông Macron cho rằng có thể thuyết phục người dân Pháp nếu họ tin rằng ông đang tiếp tục công cuộc cải cách. Đó là lý do tại sao ông thể hiện quyết tâm hành động, phát ngôn viên của chính phủ Sibeth Ndiaye nhấn mạnh.

Một số người trong bộ máy cầm quyền thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng thông qua thử thách liên quan đến lương hưu này, ông Macron khẳng định sự nghiệp chính trị của mình.

Thủ tướng Philippe đứng ở tuyến đầu, nhưng người phải trả giá nếu từ bỏ cải cách chính là Tổng thống Macron.

Trong trường hợp thất bại, ông Macron sẽ không thể có bất kỳ tham vọng chính trị nào nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục