Các đòn trừng phạt kinh tế có buộc Triều Tiên phải thay đổi?

Nền kinh tế Triều Tiên năm 2017 sụt giảm ở mức nghiêm trọng nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây do các đòn trừng phạt kinh tế và có nhiều dấu hiệu cho thấy chất lượng cuộc sống cũng đi xuống.
Các đòn trừng phạt kinh tế có buộc Triều Tiên phải thay đổi? ảnh 1Người dân Triều Tiên mua sắm tại một siêu thị ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Theo Reuters/ Đài TNHK, ước tính của ngân hàng trung ương Hàn Quốc được công bố ngày 20/7 cho biết nền kinh tế Triều Tiên năm 2017 sụt giảm ở mức nghiêm trọng trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây do các đòn trừng phạt kinh tế kìm hãm tăng trưởng và có nhiều dấu hiệu cho thấy chất lượng cuộc sống cũng bắt đầu đi xuống.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cho biết sau khi tăng 3,9% trong năm 2016, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Triều Tiên trong năm ngoái giảm 3,5% và là mức giảm lớn từ sau khi giảm 6,5% vào năm 1997.

Triều Tiên cũng không công bố số liệu thống kê kinh tế, và các chỉ số về chất lượng xã hội. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các đòn trừng phạt kinh tế quy mô lớn mà Triều Tiên hứng chịu từ năm ngoái nhiều khả năng sẽ còn ảnh hưởng nền kinh tế của quốc gia này nhiều hơn những gì từng diễn ra trong năm 2017, một thực tế khiến Triều Tiên có thể cần tới hỗ trợ nhân đạo.

[BOK: Kinh tế Triều Tiên giảm 3,5% do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt]

Tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên trong nửa đầu năm 2018 cũng đã giảm 59,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Shin Seung-cheol, người đứng đầu Nhóm Điều phối Tài khoản Thống kê Quốc gia của BOK, nói: “Tác động của các đòn trừng phạt trong năm 2016 khá yếu song đến năm 2017 đã trở nên rõ rệt hơn. Việc nước này bị cấm xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như than đá, quặng sắt, thủy hải sản và hàng dệt may đã khiến khối lượng thương mại sụt giảm.

Rất khó để có những số liệu chính xác song (các lệnh cấm xuất khẩu) chắc chắn đã khiến sản lượng công nghiệp chịu ảnh hưởng.”

Tình hình càng trở nên tồi tệ trong năm 2017 khi các chuyên gia quốc tế lo ngại Triều Tiên phải chịu trận hạn hán khủng khiếp nhất trong vòng 16 năm trở lại đây.

Tháng 4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết chuyển đổi mục tiêu chiến lược của đất nước từ phát triển kho vũ khí hạt nhân sang hồi sinh nền kinh tế, một mục tiêu mà giới phân tích xem là vô cùng khó khăn bởi các lệnh trừng phạt vẫn còn hiệu lực.

Giáo sư kinh tế Kim Byeong-yeon, hiện làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul, chuyên nghiên cứu nền kinh tế Triều Tiên, bình luận: “Chừng nào ngành xuất khẩu khoáng sản, ngành hàng đem lại nhiều lợi nhuận nhất, vẫn bị cấm vận, Bình Nhưỡng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tiến trình đàm phán với Mỹ.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó khẳng định rằng các đòn trừng phạt sẽ chưa được dỡ bỏ cho tới khi Kim Jong-un từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của mình.

Sản lượng công nghiệp, chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng quốc gia, đã giảm 8,5% - mức giảm sâu nhất từ năm 1997 do nguồn dầu thô và năng lượng nhập khẩu cần thiết cho các hoạt động này bị "bóp nghẹt".

Đài TNHK cho biết do các biện pháp trừng phạt, ngành công nghiệp khai khoáng của Triều Tiên đã giảm mạnh 11% so với mức tăng 8,4% trong năm 2016. Ngành chế tạo, nông nghiệp và thủy sản cũng giảm.

Thương mại giữa hai miền Triều Tiên đã giảm 99,7% trong năm 2017, xuống còn 900.000 USD sau khi Hàn Quốc đóng cửa khu liên hợp công nghiệp Kaesong ở Triều Tiên.

Theo ước tính của BOK, Triều Tiên có thu nhập bình quân đầu người trong 1 năm là hơn 1.000 USD, trong khi con số này của Hàn Quốc cao gấp 23 lần.

Theo số liệu mà trang mạng DailyNK có được giá thành các loại thực phẩm như gạo và ngô không thay đổi dù Triều Tiên hứng chịu thêm các đòn trừng phạt, và có những tín hiệu cho thấy số lượng người Triều Tiên có điều kiện sử dụng các đồ điện gia dụng, chạy bằng năng lượng mặt trời, đang ngày càng tăng.

Quan chức phụ trách vấn đề viện trợ hàng đầu của Liên hợp quốc đã có chuyến thăm Triều Tiên hồi tuần trước và cũng nói rằng “có những bằng chứng rõ ràng cho thấy (Triều Tiên) cần viện trợ nhân đạo.”

Các quan chức khác của Liên hợp quốc cảnh báo rằng nhiều nhóm viện trợ gặp khó khăn khi tìm cách tiếp cận hệ thống ngân hàng quốc tế cũng như vận chuyển hàng hóa vào Triều Tiên, trong khi giá nhiên liệu tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển viện trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục