Các nền kinh tế APEC đạt tăng trưởng mạnh trong quý một

Với đà tăng trưởng 6,1% trong quý 1/2021, APEC trên đà đạt được mức tăng trưởng dự báo trong năm nay hiện là 6,4%, tăng nhẹ so với dự báo trước đó.
Các nền kinh tế APEC đạt tăng trưởng mạnh trong quý một ảnh 1Người dân mua sắm tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo cập nhật của Bộ phận hỗ trợ chính sách của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tăng trưởng kinh tế của khu vực này đạt 6,1% trong quý 1/2021, phục hồi mạnh sau khi giảm 2% trong cùng kỳ năm ngoái.

Với mức tăng trưởng trên, APEC trên đà đạt được mức tăng trưởng dự báo trong năm nay hiện là 6,4%, tăng nhẹ so với dự báo trước đó.

Các nền kinh tế APEC tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm nay nhờ nhiều yếu tố như cơ sở so sánh thấp sau sự sụt giảm mạnh trong năm ngoái cũng như các chính phủ tăng cường hỗ trợ do những tác động lớn của đại dịch đối với các hoạt động kinh tế, trong khi tiêu dùng trong nước tăng trưởng đáng kể.

Trong ngắn hạn, Bộ phận hỗ trợ chính sách của APEC nhận định các biện pháp kích thích mà các chính phủ thực hiện đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực. Tiêu dùng tư nhân cũng sẽ gia tăng khi người tiêu dùng tiêu tiền tiết kiệm, một phần nhờ các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt và các khoản trợ cấp rộng khắp cho các gia đình.

[Các nền kinh tế APEC dự kiến tăng trưởng 6,3% trong năm 2021]

Giám đốc Bộ phận hỗ trợ chính sách của APEC, Denis Hew, cho rằng các chương trình tiêm chủng sẽ tạo động lực cho tăng trưởng và quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực. Hiện vẫn có những khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nền kinh tế trong khu vực, với các nền kinh tế triển khai tiêm chủng nhanh hơn và có được sự hỗ trợ tài chính ổn định sẽ phục hồi nhanh hơn và mạnh hơn, trong khi các nền kinh tế gặp khó khăn trong tiếp cận vaccine và sự hạn chế về tài chính sẽ cần nhiều thời gian hơn để có thể phục hồi.

Về thương mại, khu vực này cũng đã có kết quả tích cực trong quý 1, với kim ngạch xuất và nhập khẩu hàng hóa tăng tương ứng 16,8% và 16,2%, sau khi giảm tương ứng 6,1% và 4,1% của cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo trên nhấn mạnh tác động của đại dịch đến lĩnh vực vận tải và đi lại tiếp tục cản trở dịch vụ thương mại, khi xuất và nhập khẩu dịch vụ thương mại giảm tương ứng 12% và 15,2%, so với các mức giảm 9,5% và 9,2% trong cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục