Các ngân hàng TW 'bất lực' trước khó khăn của kinh tế thế giới?

Giới chuyên gia quan ngại rằng các ngân hàng trung ương không đủ khả năng khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Các ngân hàng TW 'bất lực' trước khó khăn của kinh tế thế giới? ảnh 1Trụ sở Fed. (Nguồn: Getty)

Ngày 24/8, hãng Bloomberg của Mỹ đăng tải bài viết “Các ngân hàng trung ương không thể cứu nền kinh tế thế giới," với nội dung xoay quanh những quan ngại về bức tranh kinh tế thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Bài viết nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang bước vào giai đoạn cam go nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi giữa họ phải chịu áp lực vô cùng lớn trong việc giữ cho nền kinh tế toàn cầu tránh khỏi suy thoái do đối mặt với nhiều thách thức.

Thiếu vắng sự độc lập giữa các chính sách kinh tế và nền chính trị

Tại hội nghị nghiên cứu thường niên của Fed diễn ra ở Jackson Hole, Wyoming ngày 24/8, Chủ tịch của Fed Jerome H. Powell đã cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại leo thang với Trung Quốc đã khiến tình hình trở nên "phức tạp và hỗn loạn" và Fed chưa có một giải pháp hữu hiệu nào để chống lại những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu.

Ông Powell nêu rõ: “Mặc dù chính sách tiền tệ là công cụ hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng, đầu tư doanh nghiệp và niềm tin của công chúng, song không thể cung cấp quy tắc áp dụng cho thương mại quốc tế. Sự bất ổn trong chính sách thương mại dường như đang đóng một vai trò trong sự giảm tốc kinh tế toàn cầu cũng như sự suy yếu sản xuất và chi tiêu vốn tại Mỹ."

Chủ tịch Powell cũng nhắc lại cam kết rằng Fed "sẽ hành động thích hợp” để duy trì đà tăng của nền kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và lạm phát gần mức mục tiêu 2%/năm của cơ quan này."

Quan điểm của ông Powell đã nhận được sự ủng hộ từ các quan chức khác của Fed, các học giả và thống đốc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tham gia hội nghị.

Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn kênh CNBC, Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida nói: “Tôi cho rằng điều Chủ tịch Powell muốn chỉ ra rằng Mỹ không có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề nền kinh tế sẽ phản ứng ra sao trước tình hình hiện nay, bởi 50 năm vừa qua thực sự là một giai đoạn của tự do hóa thương mại và chúng ta hiện đang ở một thời kỳ khác."

Quan chức này nói thêm rằng bất ổn về chính sách thương mại “đang tác động xấu” tới đầu tư và hoạt động kinh tế trong nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã yêu cầu ông Powell nhanh chóng giảm lãi suất, đã tỏ ra giận dữ trước những lời phát biểu này.

Ông Trump nhấn mạnh: “Câu hỏi duy nhất của tôi ai là đối thủ lớn hơn của chúng ta, Chủ tịch Fed Jerome Powell hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?"

Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho Fed vì lãi suất quá cao. Theo ông, việc thắt chặt định lượng đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế Mỹ. Tháng trước, lần đầu tiên sau 10 năm Fed đã hạ lãi suất chủ chốt. Tuy nhiên, rõ ràng, điều này là chưa đủ đối với Tổng thống Mỹ. Ông tiếp tục khẳng định rằng chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế thành công của Mỹ là nới lỏng hơn nữa các chính sách tiền tệ.

Cuộc tranh luận trên cho thấy sự cọ xát và mối liên hệ ngày càng tăng giữa chính sách kinh tế và chính trị trong nền kinh tế toàn cầu. Các chính trị gia, bao gồm cả Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo khác ở châu Âu và châu Á, đang đảo ngược hàng thập kỷ nỗ lực để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và kinh doanh giữa các quốc gia. Điều đó đang gây ra sự lo lắng cao độ đối với các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà đầu tư, những người đang tìm kiếm các kênh an toàn để giữ tiền, rung lên những hồi chuông cảnh báo đối với thị trường tài chính.

Cùng với đó là việc các ngân hàng trung ương, thường do các nhà kinh tế và các nhà kỹ trị không tách rời khỏi chính trị, đang buộc phải hạ lãi suất và theo đuổi các chính sách tiền tệ khác để kích thích các hoạt động kinh tế và duy trì tăng trưởng lành mạnh. Hàng chục ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất trong năm nay và lợi suất trái phiếu chính phủ ở nhiều nước đang tiệm cận mức thấp nhấp trong lịch sử, thậm chí là âm. Do đó, giới chuyên gia quan ngại rằng các ngân hàng trung ương không đủ khả năng khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

"Vấn đề không nằm ở hệ thống tiền tệ"

Thống đốc Ngân hàng trung ương của Anh, ông Mark Carney, nhận định: “Đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn yếu, mặc dù chính sách tiền tệ toàn cầu đã được nới lỏng trên diện rộng."

Ngoài ra, trên trang mạng Twitter, ông Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài Chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và là Cố vấn kinh tế cho cựu Tổng thống Barack Obama, cũng đề cập tới mối quan ngại này: “Đến tham dự hội nghị Jackson Hole, các nhà kinh tế đang tranh luận về một vấn đề lớn: Liệu ngân hàng trung ương có thể trở thành công cụ chủ yếu để ổn định kinh tế vĩ mô trong thập kỷ tới hay không?."

Ông gọi cách tiếp cận của các ngân hàng trung ương đối với kinh tế thế giới là “các biện pháp tài chính-tiền tệ lỗ đen” nhằm nhấn mạnh một thực tế là lãi suất đã gần bằng không. Trong khi đó, Greg Mankiw, cựu chiến lược gia trưởng về kinh tế của cựu Tổng thống George W. Bush và là Cố vấn chính sách kinh tế lâu năm của Đảng Cộng hòa, đã phát ra một cảnh báo tương tự trong một cuộc phỏng vấn qua thư điện tử.

Theo ông Greg Mankiw, không phải tất cả các tác động của cuộc chiến thương mại đều có thể được bù đắp bằng chính sách tiền tệ mở rộng hơn.

Đặc biệt, tăng thuế có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, gây ảnh hưởng xấu đến việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Chính sách tiền tệ không thể để đảo ngược điều đó.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định trong lúc các ngân hàng trung ương đang nỗ lực kích thích tăng trưởng, các nhà lãnh đạo chính trị lại tiếp tục các bước đi gây cản trở hoạt động này. Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump phát động đã dẫn đến sự suy giảm trong đầu tư kinh doanh và sản xuất của Mỹ với những con số tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.

[Fed khẳng định sẽ linh hoạt trong việc điều chỉnh lãi suất]

Ngoài ra, có thể kể đến một số tác nhân khác ảnh hưởng xấu tới bức tranh kinh tế toàn cầu.

Đối với Anh, dưới thời tân Thủ tướng Boris Johnson, Xứ sở Sương mù đang đối diện với một kịch bản gia tăng về việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) không thỏa thuận, hay còn gọi là kịch bản Brexit “cứng."

Một số nhà lãnh đạo khác của EU cũng bày tỏ quan điểm rằng điều này có thể kích động các quốc gia khác rời EU. Thêm vào đó, quan hệ thương mại giữa các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng căng thẳng leo thang.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng không phải những người đứng đầu các ngân hàng trung ương, mà chính các nhà lãnh đạo đắc cử, cần phải tiến hành các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng để giúp thế giới tránh khỏi một cuộc khủng hoảng kinh tế như hồi năm 2008.

Chuyên gia Summers nhấn mạnh trên Twitter rằng các nhà lãnh đạo này có thể đề ra các chính sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc tái phân phối thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội để thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Các nhà kinh tế cho rằng sự phụ thuộc thái quá vào các ngân hàng trung ương là một nguy cơ hiện hữu, tác động tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới. Các ngân hàng này có tính độc lập đối với chính trị và họ có thể triển khai các biện pháp mà theo họ là đúng đắn bất chấp những tác động chính trị trong ngắn hạn. Trong trường hợp đó, các thị trường sẽ đánh mất niềm tin vào sức mạnh của các ngân hàng trung ương để ổn định nền kinh tế trong khủng hoảng, thậm chí còn dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế nặng nề hơn.

Fed đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và hiện cũng bị Tổng thống Trump kịch liệt phê phán, đặc biệt nhằm vào Chủ tịch Powell, mặc dù chính ông Trump đã chọn ông Powell là người đứng đầu định chế tài chính này vào năm 2017.

Cựu Phó Chủ tịch Fed Stanley Fischer nhấn mạnh: "Vấn đề không nằm ở hệ thống tiền tệ mà nằm ở Tổng thống Mỹ. Tôi không biết làm thế nào để đối phó với điều này."

Các định chế tài chính khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Người đứng đầu chi nhánh ECB tại Na Uy Øystein Olsen nhấn mạnh các ngân hàng trung ương đang lâm vào tình trạng như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và bày tỏ hoài nghi về khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế-tài chính toàn cầu giữa bối cảnh hiện nay.

Mỹ hiện là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới, mặc dù tốc độ tăng trưởng đang suy giảm. Chín nền kinh tế lớn khác cũng đang suy thoái hoặc gần chạm ngưỡng suy thoái. Trung Quốc, mặc dù vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, song đã chậm lại.

Sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu kết hợp với động thái của các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang gây biến động thị trường tài chính.

Tại châu Âu và Nhật Bản, nhiều trái phiếu chính phủ và cổ phiếu của các doanh nghiệp hiện đang được giao dịch với lãi suất âm, có nghĩa là các nhà đầu tư có thể được trả ít hơn số tiền họ đầu tư - một giao dịch mà họ đã sẵn sàng thực hiện để được đảm bảo hoàn trả.

Tại Mỹ, lãi suất trái phiếu chính phủ đã đảo ngược nhiều lần trong tuần qua, một tình huống bất thường làm nhiều người kỳ vọng sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn khi đầu tư dài hơi hơn.

Phát biểu trong một phỏng vấn với đài CNBC, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại bang Philadelphia, ông Patrick Harper nhấn mạnh: “Không có gì thay đổi bất thường theo chiều hướng tiêu cực."

Ông cũng ví von rằng: "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần giữ cho ‘bột’ của mình khô ráo để khi điều đó xảy ra, chúng ta có dư địa chính sách để triển khai."

Fed đã hạ lãi suất 25 điểm cơ bản xuống biên độ 2-2,25% trong tháng trước, lần cắt giảm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giữa bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về căng thẳng thương mại, kinh tế toàn cầu chậm lại và sức ép lạm phát ì ạch. Fed dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/9 tới.

Tuy nhiên, những cảnh báo từ các quan chức Fed cảnh báo những rủi ro từ bất ổn thương mại và các chuyên gia kinh tế làm dấy lên những quan ngại về việc các ngân hàng trung ương không thể "cứu" nền kinh tế thế giới trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục