Các nước Đông Âu trong EU rời các ngân hàng quốc tế IIB và IBEC

Ba Lan, Séc, Bulgaria, Slovakia và Romania đã quyết định rời khỏi hai ngân hàng quốc tế lớn mà Nga là cổ đông lớn nhất, trong bối cảnh Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Các nước Đông Âu trong EU rời các ngân hàng quốc tế IIB và IBEC ảnh 1(Nguồn: iib.int)

Các nước Ba Lan, Cộng hòa Séc, Bulgaria, Slovakia và Romania đã quyết định rời khỏi hai ngân hàng quốc tế lớn mà Nga là cổ đông lớn nhất, trong bối cảnh Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Bộ tài chính của các nước nói trên đã đồng loạt công bố quyết định này vào ngày 2/3.

Trước đó, Cộng hòa Séc ngày 25/2 bày tỏ ý định rời khỏi Ngân hàng Đầu tư quốc tế (IIB) và Ngân hàng hợp tác kinh tế quốc tế (IBEC), đồng thời kêu gọi các nước thành viên khác trong EU thực hiện các bước đi tương tự.

[Ngân hàng Thế giới dừng tất cả các các dự án ở Nga và Belarus]

IIB được thành lập năm 1970 trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế (Khối SEV cũ), hiện đặt trụ sở tại thủ đô Budapest của Hungary.

Chức năng chính của IIB là cho vay trung và dài hạn phục vụ các dự án đầu tư và các chương trình phát triển tại các nước thành viên. Tính đến tháng 10/2021, vốn điều lệ của IIB là 2,1 tỷ euro (tương đương 2,3 tỷ USD).

Trong khi đó, IBEC được thành lập năm 1963 trong khuôn khổ Hội đồng tương trợ kinh tế và trụ sở đặt tại thủ đô Moskva (Nga).

Chức năng chính của IBEC là thực hiện thanh toán đa phương, cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phát triển kinh tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế đối ngoại giữa các nước thành viên cũng như giữa các nước thành viên và các nước khác.

Vốn điều lệ của IBEC tính đến tháng 9/2021 là 749 triệu euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục