Các nước vùng Vịnh đối diện kịch bản giá dầu thấp trong dài hạn

Giới phân tích cho rằng những dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chậm lại là hai nhân tố có thể tác động tới nhu cầu dầu mỏ thế giới.
Các nước vùng Vịnh đối diện kịch bản giá dầu thấp trong dài hạn ảnh 1Một trạm bán xăng dầu ở Tehran, Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các quốc gia vùng Vịnh cần sẵn sàng với kịch bản giá dầu thấp trong dài hạn và tăng trưởng kinh tế yếu hơn kỳ vọng.

Thông điệp này được các chuyên gia kinh tế đưa ra trong khuôn khổ Diễn đàn Chiến lược Arab diễn ra ngày 12/12 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Giới phân tích cho rằng những dấu hiệu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 chậm lại là hai nhân tố có thể tác động tới nhu cầu dầu mỏ thế giới.

[Mỹ sẽ thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới khi năm 2018 kết thúc]

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa dầu đá phiến và các nguồn năng lượng tái sinh cũng sẽ đẩy giá dầu xuống thấp hơn. Điều này được dự báo sẽ tác động đáng kể tới tăng trưởng của toàn bộ vùng Vịnh.

Hiện, 6 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE, vẫn phụ thuộc tới 80% nguồn thu vào dầu khí.

Cuộc khủng hoảng giá “vàng đen” hồi giữa năm 2014 đã khiến vùng Vịnh thiệt hại hàng trăm tỷ USD nguồn thu dầu mỏ.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Mahmoud Mohieldin cảnh báo các nước vùng Vịnh vẫn phụ thuộc đáng kể vào các động thái giá dầu.

Nếu giá “vàng đen” giảm, triển vọng tăng trưởng của các nước vùng Vịnh năm 2019 có thể phải điều chỉnh thấp hơn so với dự báo tăng trưởng quanh ngưỡng 3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục