Các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đón chào sự bùng nổ về đầu tư

Các địa phương Bắc Trung Bộ đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, “lót ổ” đón các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, ngày 15/12/2023. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)
Lễ khởi công Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị, ngày 15/12/2023. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Theo tờ Nikkei Asia, các tỉnh Bắc Trung Bộ - khu vực còn chậm phát triển của đất nước Việt Nam - giờ đây cũng bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư phát triển.

Trong bài viết “Bắc Trung Bộ của Việt Nam chứng kiến “làn sóng bùng nổ đầu tư” mới đây, Nikkei Asia nhận định rằng việc thu hút vốn đầu tư của khu vực này đang được hỗ trợ bởi các yếu tố kinh doanh toàn cầu, cũng như sự ưu tiên, ủng hộ phát triển của các nhà lãnh đạo đất nước.

Shigeo Fukuda, người đứng đầu bộ phận phát triển các khu công nghiệp ở nước ngoài của tập đoàn Sumitomo, đánh giá Quảng Trị là một tỉnh hấp dẫn về đầu tư vì “dễ dàng thu hút nhân tài và sự thuận lợi về giao thông được cải thiện nhờ một sân bay mới đang được xây dựng.”

Sumimoto, một trong những tập đoàn Nhật Bản mạnh nhất về kinh doanh tài chính và bất động sản công nghiệp, đã triển khai dự án đầu tư khu công nghiệp tại vùng đất Quảng Trị vào cuối năm 2023 vừa qua.

Công ty TNHH liên doanh phát triển Quảng Trị (QTIP) - liên doanh giữa Sumitomo, VSIP Group và Công ty Amata Biên Hòa của Thái Lan -đã khởi công dự án Khu công nghiệp Quảng Trị vào ngày 15/12/2023 và đã nhận được yêu cầu từ khoảng 20 khách thuê tiềm năng. Đây sẽ là khu công nghiệp đầu tiên được Sumitomo vận hành tại khu vực Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Ngoài Quảng Trị, khu vực Bắc Trung Bộ còn có 5 tỉnh gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế. Giao thông giữa các địa phương này với Hà Nội đã được cải thiện nhờ có tuyến đường huyết mạch.

Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, thu nhập trung bình hàng tháng ở khu vực Bắc Trung Bộ thấp hơn khoảng 30% đến 40% so với khu vực xung quanh Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh.

Mức thu nhập thấp cho thấy dư địa phát triển ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Trong khi sự phát triển kinh tế ở miền Nam Việt Nam từ lâu đã được thúc đẩy bởi ngành dệt may thì các khu vực phía Bắc của đất nước đã đạt được tăng trưởng kinh tế nhờ làn sóng đầu tư của các công ty Hàn Quốc từ những năm 2010 đến nay.

Và giờ đây, đến lượt các tỉnh Bắc Trung Bộ ráo riết thu hút đầu tư từ các công ty toàn cầu. Các tỉnh Bắc Trung Bộ bước đầu đã thành công trong việc “lót ổ” đón “đại bàng” đến đầu tư, nhất là các dự án mang tính động lực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

ttxvn_nghe_an_tap_trung_phat_trien_cong_nghiep_ho_tro.jpg
Khu công nghiệp (KCN) WHA IZ 1 tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) là KCN có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất tại vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, kết nối các trung tâm sản xuất, chế tạo và phân phối phục vụ thị trường trong nước và quốc tế. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Năm 2023, đầu tư nước ngoài vào khu vực Bắc Trung Bộ đạt khoảng 2 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, Nghệ An đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút nguồn đầu tư kỷ lục là 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó thu hút vào địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.

Foxconn, một đối tác lớn của Apple, đã gây chú ý với kế hoạch mở một nhà máy mới ở Nghệ An vào tháng 11/2024. Quyết định của Foxconn đã khiến những doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng của Apple cũng có động thái tương tự. Radiant Opto-Electronics (trụ sở tại Đài Loan) cũng có kế hoạch thành lập nhà máy ở Nghệ An.

Sự phát triển ở miền Bắc và Trung Việt Nam cũng có thể tác động đến kế hoạch của Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, được đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2045. Theo Nikkei Asia, nếu Bắc Trung Bộ xuất hiện các thành phố lớn, điều này có thể giúp tăng lượng hành khách sử dụng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực Bắc Trung Bộ thời gian qua đã cũng được triển khai hiệu quả, với nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia trên địa bàn như cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu.

Để tạo bứt phá trong thu hút đầu tư năm 2024, các địa phương Bắc Trung Bộ cũng đã lên kế hoạch đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài, lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và xúc tiến triển khai xây dựng các khu công nghiệp mới trên địa bàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục