Các tổ chức khu vực và LHQ hợp tác vì hòa bình và hòa giải

18 tổ chức khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và Liên hợp quốc cam kết tăng cường hợp tác thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên phạm vi toàn cầu.
Các tổ chức khu vực và LHQ hợp tác vì hòa bình và hòa giải ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: eyeradio.org)

18 tổ chức khu vực, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và Liên hợp quốc cam kết tăng cường hợp tác thúc đẩy hòa bình và hòa giải trên phạm vi toàn cầu.

Phóng viên TTXVN tại Jakarta dẫn thông báo ngày 4/5 của Ban Thư ký ASEAN cho biết đây là kết quả cuộc họp do Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon chủ trì và kéo dài trong hai ngày 1-2/5 tại New York, Mỹ giữa đại diện các tổ chức khu vực nói trên và các quan chức tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Cuộc họp tậm trung vào ba lĩnh vực chính là hòa giải, xây dựng hòa bình và hoạt động hòa bình. Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa tổ chức của thế giới và khu vực nhằm đạt được hòa bình và an ninh trong bối cảnh hiện nay.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nêu rõ việc xây dựng và gìn giữ hoà bình tại khu vực Đông Nam Á vẫn luôn là phương châm và có sự đóng góp lớn của ASEAN. Ông tái khẳng định ASEAN là một đối tác lâu dài vì hoà bình với Liên hợp quốc trong nhiều thập kỷ và mối quan hệ này đã được nêu rõ trong Tuyên bố chung 2011 về Quan hệ Đối tác Toàn diện ASEAN-Liên hợp quốc.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh đề xuất sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN cần tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm duy trì tính nghiêm minh của pháp luật; tăng cường tổ chức khu vực cả về chức năng và năng lực; chia sẻ kinh nghiệm và thực hành tốt nhất. Ông hoan nghênh đề nghị hỗ trợ của Liên hợp quốc với Viện ASEAN vì hòa bình và hòa giải (AIPR), đặc biệt là hỗ trợ ASEAN về chuyên môn trong các hoạt động hòa bình và hòa giải, cũng như đưa ra kinh nghiệm tốt nhất, những bài học từ lộ trình hoà bình khu vực.

Theo nhà lãnh đạo ASEAN, hòa bình cần phải được liên tục nuôi dưỡng, và để củng cố hòa bình bền vững, việc xây dựng hòa bình hậu xung đột phải là một lộ trình toàn diện và chuyển hóa. Vì vậy, việc triển khai các thỏa thuận hòa bình nên tập trung vào một khái niệm an ninh lớn hơn bao gồm các chương trình kinh tế-xã hội và phát triển, tăng trưởng công bằng và toàn diện, công bằng xã hội, quản trị tốt, cũng như lòng khoan dung và sự phối hợp nhịp nhàng.

Kết thúc cuộc họp, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của các tổ chức khu vực và tăng cường hợp tác chiến lược với Liên hợp quốc, đặc biệt là ở những giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Theo ông, duy trì hòa bình là một hành động quốc gia, khu vực và toàn cầu, đòi hỏi một cách tiếp cận thực sự thích hợp và đa chiều trong đó bao gồm an ninh, phát triển kinh tế-xã hội và nhân quyền. Ông cũng chú trọng sự cần thiết phải đổi mới quan hệ đối tác toàn cầu cho các hoạt động hòa bình, đặc biệt là sự hợp tác giữa các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các đối tác trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục