Cảm hóa người dân bằng niềm tin: Không để vùng khó lùi phía sau

Các địa phương đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đời sống ngày nâng cao.
Cảm hóa người dân bằng niềm tin: Không để vùng khó lùi phía sau ảnh 1Tổ Công tác của xã Tà Tổng, huyện Mường Tè thăm hỏi gia đình ông Mùa Nọ Lòng, bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng. (Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN)

Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới có cuộc sống ấm no, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Các địa phương đã huy động, lồng ghép mọi nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đời sống ngày nâng cao. Từ đó, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Lắng nghe tâm tư của dân

Để người dân không theo tà đạo, không nghe theo lời xuyên tạc của kẻ xấu, tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chính quyền xã Tà Tổng cử cán bộ phối hợp xuống cơ sở, cùng ăn cùng ở với dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân và kịp thời giải quyết vướng mắc, không để tồn đọng kéo dài, gây mất lòng tin của dân.

Sau 3 năm, bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng thuộc huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) nổi lên là điểm “nóng” về an ninh trật tự khi người dân nghe theo lời kẻ xấu, tụ tập để thành lập nhà nước Mông.

Hiện nay, Giàng Ly Cha "thay da, đổi thịt," người dân đoàn kết, chăm lo xây dựng đời sống kinh tế-xã hội và tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

[Cảm hóa bằng niềm tin để người dân tham gia bảo vệ Tổ quốc]

Bên cạnh những kết quả tích cực bản Giàng Ly Cha còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng.

Mặc dù cách trung xã Tà Tổng hơn 10km nhưng vào được đến bản phải mất hơn một giờ đi xe máy.

Con đường độc đạo dẫn tới bản chưa được đầu tư bêtông hóa, khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều trắc trở, nhất là vào ngày mưa đường dốc trơn trượt. Điều này gây cản trở cho việc nắm địa bàn của các cấp chính quyền.

Cảm hóa người dân bằng niềm tin: Không để vùng khó lùi phía sau ảnh 2Chị Giàng Thị Súa, bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè lao động sản xuất. (Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN)

Ông Sùng A Tủa, Bí thư Chi bộ bản Giàng Ly Cha, cho biết những năm qua, bản luôn được Nhà nước, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nguồn lực phát triển kinh tế, nhà ở cho các hộ dân trong bản.

Tuy nhiên, việc đầu tư chưa được đồng bộ, nhất là tuyến đường dẫn vào bản còn đất đá lổm nhổm, sạt lở, chưa được bêtông hóa. Ông mong thời gian tới Nhà nước quan tâm tạo điều kiện, ưu tiên đầu tư đường giao thông để bà con đi lại thuận tiện.

Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng Lỳ Phù Cà cho rằng để người dân tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước và không nghe theo kẻ xấu, xã Tà Tổng mong muốn cấp trên tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo các chương trình, dự án để xã tập trung phát triển kinh tế-xã hội, giúp bà con xóa đói giảm nghèo, cố gắng đạt các chỉ tiêu hoàn thành xã đạt nông thôn mới.

Theo ông Trần Đức Hiển, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè, nhằm đáp ứng nguyện vọng của dân, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường phối hợp chính quyền xã thực hiện tốt các chương trình, dự án, hỗ trợ phát triển kinh tế để cuộc sống người dân nâng lên; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ là người địa phương để kế thừa lâu dài...

Đến nay, tình hình an ninh trật tự, an ninh tôn giáo trên địa bàn xã Tà Tổng cơ bản ổn định.

Cảm hóa người dân bằng niềm tin: Không để vùng khó lùi phía sau ảnh 3Lãnh đạo xã Tà Tổng, huyện Mường Tè thăm, hỏi gia đình anh Và Nhè Chứ, ở bản Pà Khà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè. (Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN)

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Tè kiến nghị Trung ương, Chính phủ tiếp tục có chính sách đặc thù hỗ trợ chương trình, dự án như làm đường giao thông, dự án phát triển kinh tế văn hóa-xã hội.

Đặc biệt, hiện nay một số người dân xã Tà Tổng đang ở trên đất huyện Mường Nhé (Điện Biên), nguyện vọng người dân vẫn muốn ở lại Mường Tè, vì vậy huyện mong muốn Trung ương làm rõ về địa giới hành chính để người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và bảo vệ rừng trên địa bàn.

Xóa nghèo bền vững

Đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, đời sống còn khó khăn, thiếu hiểu biết và phong tục tập quán lạc hậu.

Cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, kinh tế của người dân chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và dựa vào nương đồi, dẫn tới thu nhập thấp khiến cái nghèo đeo bám mãi.

Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch tuyên truyền, lôi kéo bà con dân tộc chống phá chính quyền, gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Với mục tiêu không để vùng đặc biệt khó khăn lùi lại phía sau, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, Nhà nước ta đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hiệu quả.

Vì vậy, đời sống người dân ngày một nâng lên, đặt niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta.

Tại huyện biên giới Mường Tè, những năm gần đây có sự chuyển biến rõ nét về mọi lĩnh vực.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè Đao Văn Khánh khẳng định huyện luôn đặc biệt quan tâm tới đời sống nhân dân, nhất là những điểm nóng về an ninh trật tự.

Huyện Mường Tè đã bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch vùng sản xuất và bố trí đất ở cho đồng bào; chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con tiếp cận áp dụng vào sản xuất, tập trung huy động đội ngũ cán bộ xuống cầm tay chỉ việc hướng dẫn cho bà con biết canh tác, phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm ổn định đời sống cho nhân dân.

Cảm hóa người dân bằng niềm tin: Không để vùng khó lùi phía sau ảnh 4Gia đình anh Và Nhè Chứ, ở bản Pà Khà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè tổ chức sản xuất phát triển kinh tế cho thu nhập hơn 100 triệu/năm. (Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN)

Tuy nhiên, do xuất phát từ trình độ dân trí của bà con hạn chế nên việc tiếp cận, chuyển giao khoa học kỹ thuật còn chậm; địa hình chia cắt, phức tạp, độ dốc lớn đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; đồng thời nguồn lực bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do vậy, đời sống của người dân cũng như thu nhập còn thấp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè nhấn mạnh với đặc thù là huyện vùng sâu vùng xa biên giới khó khăn, có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống trên địa bàn.

Huyện kiến nghị với tỉnh, các bộ ngành Trung ương, Chính phủ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho huyện để đồng bào có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn để nhân dân phát triển lâu dài.

Song song thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, huyện sẽ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng đường, điện, trường, trạm để bà con nhân dân được thụ hưởng cuộc sống tốt hơn.

Bên cạnh đó, huyện tập trung khảo sát, xây dựng đề án hỗ trợ cây, con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương để hiệu quả trong đầu tư.

Chị Giàng Thị Sua, 38 tuổi, dân tộc Mông ở bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, có chồng là Sùng Nhè Tùng đang chấp hành án vì tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” các con còn nhỏ nên gia đình rất khó khăn.

Chị Sua mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ cho các hộ hoàn cảnh khó khăn như mình, để người dân có điều kiện làm ăn, xóa đói giảm nghèo.

Chị Sua cũng mong mỏi từng ngày chồng sớm được về để làm ăn, chăm sóc gia đình, nuôi các con ăn học.

“Đời sống người dân ấm no, được cán bộ gần gũi tuyên truyền thì sẽ không còn tin, không còn nghe người xấu lôi kéo, xúi dục vi phạm pháp luật nữa. Người dân sẽ tham gia tích cực tố giác tội phạm và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn,” chị Giàng Thị Sua chia sẻ.

Cảm hóa người dân bằng niềm tin: Không để vùng khó lùi phía sau ảnh 5Sau khi tự nguyện ra khỏi tà đạo bà Cô Dợ, gia đình anh Và Nhè Chứ, ở bản Pà Khà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: Hoàng Thùy Oanh/TTXVN)

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là rất quan trọng.

Để thời gian tới hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chính sách pháp luật Nhà nước, tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu Lò Văn Cương cho rằng cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thực hiện tốt phương châm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả.”

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động theo hướng cụ thể, thiết thực.

Các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang tăng cường xuống cơ sở, bám dân, bám địa bàn, thực hiện “4 cùng” với nhân dân, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế-xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đồng thời, nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng hoạt động hiệu quả về an ninh, trật tự; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín và nhân dân tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền biên giới quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục