Cam kết về khí hậu của nhiều công ty lớn vẫn không đủ mạnh

Mặc dù tham vọng chung trong các cam kết về khí hậu vào năm 2030 của các công ty đã dần được cải thiện hai năm qua, nhưng thực tế hầu hết các công ty vẫn tiếp tục không đạt được mức giảm cần thiết.

Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khí thải phát ra từ nhà máy điện than ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ các nhà sản xuất ôtô đến các hãng thời trang nhanh, hàng chục công ty quốc tế lớn đang không giảm lượng khí thải nhà kính ở tốc độ cần thiết để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.

Đó là kết luận trong báo cáo do các tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận NewClimate Institute và Carbon Market Watch công bố ngày 8/4. Họ đã xem xét các cam kết khí hậu của 51 công ty đa quốc gia và nhận thấy nhiều thương hiệu đang thổi phồng các tuyên bố về tính bền vững của họ.

Tổng hợp lại, các thương hiệu được xem xét kỹ lưỡng trong báo cáo này - chủ yếu là những cái tên quen thuộc bao gồm H&M Group, Nestle và Toyota - chiếm 16% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2022.

Nhưng những nỗ lực của họ cực kỳ không đủ để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C - giới hạn an toàn hơn được đặt ra theo Hiệp định Paris về khí hậu năm 2015.

Báo cáo cho biết trong khi tham vọng chung trong các cam kết về khí hậu vào năm 2030 của các công ty đã dần được cải thiện trong hai năm qua, hầu hết các công ty vẫn tiếp tục không đạt được mức giảm phát thải cần thiết.

Theo các nhà khoa học khí hậu của Liên hợp quốc, lượng khí thải toàn cầu cần phải giảm 43% vào năm 2030 để phù hợp với các mục tiêu của Hiệp định Paris về khí hậu.Báo cáo cho biết các công ty này trung bình sẽ phải giảm lượng khí thải 33% theo cam kết hiện tại.

carbon.jpeg
(Nguồn: sustainablejapan.jp)

Nhưng một số công ty thậm chí có thể thất bại trong việc thực hiện cam kết của mình.Theo báo cáo, khu vực doanh nghiệp ngày càng “linh hoạt” trong cách đáp ứng các mục tiêu về khí hậu, cụ thể là thông qua việc sử dụng tín chỉ carbon.

Điều này cho phép các doanh nghiệp bù đắp lượng khí thải của mình bằng cách đổ tiền vào một dự án giúp giảm hoặc tránh phát thải, chẳng hạn như bảo vệ rừng.

Các nhà phê bình nói rằng điều đó cho phép các công ty tiếp tục gây ô nhiễm.Theo báo cáo, các công ty bị đánh giá là không trung thực trong các cam kết về khí hậu của mình. Không ai đạt được xếp hạng "tính chính trực cao" - mức đánh giá cao nhất.

Các “gã khổng lồ” năng lượng của Italy và Tây Ban Nha là Enel và Iberdrola dẫn đầu với xếp hạng "hợp lý."

Trong khi đó, công ty năng lượng Kepco của Hàn Quốc và nhà sản xuất ôtô Nhật Bản Toyota nhận được mức xếp hạng thấp nhất.Báo cáo cũng thừa nhận một số công ty đã làm tốt hơn những công ty khác.

Chẳng hạn, “ông lớn” ngành thực phẩm Pháp Danone đã cam kết giảm "đáng kể" lượng khí thải methane từ sản xuất sữa tươi, đồng thời tăng tỷ trọng các sản phẩm có nguồn gốc thực vật.Enel và Iberdrola cũng đã tăng công suất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời và gió. Nhưng cả hai đều có thể đặt ra các khung thời gian đầy tham vọng hơn để đạt được lượng phát thải ròng bằng không.

Nhà sản xuất xe hạng nặng Volvo Group được chú ý nhờ đầu tư vào "phương tiện không phát thải, cơ sở hạ tầng sạc điện, thép và nhôm có hàm lượng carbon thấp."

Trong khi đó, ngành công nghiệp thời trang bị chỉ trích là "mơ hồ" về cách đạt được mục tiêu.

Không cái tên nào trong số năm thương hiệu được phân tích - gồm H&M Group, Nike, Adidas, Inditex (chủ sở hữu Zara) và Fast Retailing (chủ sở hữu Uniqlo) - có kế hoạch chuyển đổi sang mô hình kinh doanh sản xuất và bán ít sản phẩm hơn.

Chuyên gia Silke Mooldijk từ NewClimate Institute cho biết việc tiếp thị sản phẩm của ngành này cũng có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Bà chỉ ra rằng polyester tái chế đang được quảng cáo là loại vải thay thế ít phát thải, mặc dù chất liệu này chủ yếu có nguồn gốc từ chai nhựa tái chế chứ không phải quần áo cũ - có nghĩa là chai vẫn được sản xuất để đáp ứng nhu cầu.

Về phần mình, tập đoàn H&M cho biết báo cáo chưa phân tích dữ liệu khí hậu mới nhất của họ và cho hay họ đã giảm được 22% lượng khí thải vào năm 2023 so với năm 2019.

Báo cáo kêu gọi chuyển đổi từ các sáng kiến khí hậu tự nguyện sang quy định chặt chẽ hơn của chính phủ, nhằm buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục