Cần chiến lược quản lý thiệt hại từ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các thiên tai liên quan đang trở nên tệ hơn, tới mức các nỗ lực để giải quyết chúng là không đủ.
(Ảnh minh họa: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Ngày 8/6, tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu, giáo dục môi trường và phát triển (CERED) tổ chức hội thảo "Liên kết thiệt hại mất mát, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai."

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Ninh, Giám đốc CERED, cho biết cần phát triển hệ thống liên kết giữa thiệt hại mất mát, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các thiên tai liên quan đang trở nên tệ hơn, tới mức các nỗ lực để giải quyết chúng là không đủ.

Tác động của biến đổi khí hậu tới các nước đang phát triển như Việt Nam vượt quá khả năng thích ứng, giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trong các chiến lược kết hợp giữa thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Áp lực của trạng thái khí hậu hiện tại và kịch bản tương lai yêu cầu các nước không chỉ phải sử dụng các cơ chế giảm nhẹ, thích ứng một cách rộng rãi, mà còn cần quan tâm tới các thiệt hại, mất mát do sự hiện diện của biến đổi khí hậu.

Thiệt hại và mất mát xảy ra khi các nỗ lực giảm thiểu là không đủ và chiến lược thích ứng gặp phải các hạn chế.

Khi các tác động của thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi và giảm thiểu, thì thiệt hại và mất mát sẽ hiển hiện.

Các hiện tượng thiên tai liên quan tới khí hậu rất phổ biến ở Việt Nam, và người dân phải gánh chịu thiệt hại và mất mát.

Theo tiến sỹ Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho đến nay khoa học trên thế giới vẫn chưa thể bóc tách được rủi ro do biến đổi khí hậu và rủi ro do thiên tai.

Việt Nam đã có chiến lược rõ ràng về quản lý rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu nhưng chưa có chiến lược quản lý thiệt hại, mất mát từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thiệt hại, mất mát phải được đưa vào để trở thành một thành tố cấu thành chiến lược quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, mà không phải là hệ quả thực hiện chiến lược.

Phương án được đưa ra hiện nay là xây dựng các Quỹ dự phòng cho phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai hằng năm, hình thành Quỹ tự lực tài chính về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục