“Cần đình chỉ khai thác đá để bảo vệ thắng cảnh”

Bí thư huyện uỷ huyện Kim Bảng (Hà Nam) Chu Đức Thọ cho rằng phải chấm dứt ngay mọi hoạt động khai thác đá xung quanh khu vực Hang Luồn - Ao Dong để bảo vệ một quần thể thắng cảnh.
Trong thời gian qua, dư luận ở tỉnh Hà Nam và huyện Kim Bảng khá bức xúc về việc thắng cảnh Hang Luồn-Ao Dong nằm trong quần thể Ngũ động-Thi sơn bị xâm hại nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bí thư huyện uỷ huyện Kim Bảng Chu Đức Thọ về việc này.

Ông nghĩ gì về thắng cảnh Hang Luồn-Ao Dong bị xâm hại bởi các hoạt động khai thác đá?

Sự việc trên khiến chúng tôi hết sức đau lòng vì việc khai thác đá đang tàn phá một thắng cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng trong khi nó không đóng góp nhiều lợi ích về kinh tế cho người dân và địa phương. Khi các hoạt động khai thác bằng mìn liên tục diễn ra xung quang khu vực Hang Luồn-Ao Dong thì ai còn hứng thú du ngoạn trong hang nữa. Chưa nói việc nổ mìn, phá đá đã biến một thắng cảnh đẹp nhất ở địa phương chúng tôi thành một đại công trường khai thác đá, việc nổ mìn gần khu vực Hang Luồn còn gây nguy cơ thắng cảnh sẽ bị tàn phá từ phía trong do phải chịu các chấn động mạnh. Do vậy quan điểm của cá nhân tôi là phải chấm dứt ngay mọi hoạt động khai thác đá ở xung quanh khu vực Hang Luồn - Ao Dong để bảo vệ một quần thể thắng cảnh có nhiều giá trị văn hoá, lịch sử.

Trước đây bản thân tôi đã nhiều lần cùng với đoàn khảo sát của Ba Lan đi khảo sát 4 cụm du lịch của huyện Kim Bảng. Khi dừng chân ở cụm Hang Luồn-Ao Dong các chuyên gia của Ba Lan đã ghi hình các nhũ đá, sau đó nhận xét đây là khu du lịch dưỡng bệnh lý tưởng trên núi (nhiều bệnh phải chữa ở trên núi bằng phương pháp thư giãn), đặc biệt là những bệnh trầm cảm. Ngay đồng chí Vũ Khoan, khi còn là Phó Thủ tướng Chính phủ về thăm và làm việc với tỉnh Hà Nam nhìn thấy tình trạng khai thác đá nham nhở đã nhắc nhở tỉnh cần có quy hoạch khai thác khoáng sản hợp lý, phải nghiên cứu mở đường để khai thác đá ở phía trong sâu còn cảnh quan bên ngoài cần phải bảo vệ.

Trước thực trạng thắng cảnh Hang Luồn-Ao Dong bị tàn phá, huyện Kim Bảng đã làm gì, thưa ông?

Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị lên các cấp, các ngành hữu quan để đấu tranh nhằm giữ lại cảnh quan thắng cảnh trên phục vụ cho quy hoạch du lịch sinh thái. Khi có những thông tin đầu tiên về việc các doanh nghiệp đệ đơn xin phép khai thác khoáng sản trong khu vực có thắng cảnh, ngay lập tức tôi đã điện cho các đơn vị có liên quan của huyện, xã để ngăn cản việc khai thác. Tuy nhiên khi được biết các doanh nghiệp vào tiến hành khai thác khoảng sản ở đây đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh và Sở tài nguyên & Môi trường cấp phép thì chúng tôi cũng đành “bất lực” nhìn thắng cảnh bị tàn phá từng ngày mà không làm gì được?

Từ việc cấp phép khai thác khoáng sản tại Hang Luồn-Ao Dong, ông nghĩ thế nào về việc quy hoạch khai thác và quản lý tài nguyên khoáng sản ở Hà Nam?


Từ việc ở Hang Luồn-Ao Dong, Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam và ngành Tài nguyên môi trường cần xem lại chất lượng quy hoạch vùng khai thác khoáng sản và những khu vực không được cấp phép các hoạt động khai thác khoáng sản. Rõ ràng, trong việc quy hoạch và cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay đang còn nhiều bất cập.

Trước đây huyện Kim Bảng đã nhiều lần lên tiếng Hang Luồn-Ao Dong nằm trong 4 cụm du lịch huyện Kim Bảng được UBND tỉnh phê duyệt. Thế nhưng sau đó Sở tài nguyên môi trường lại quy hoạch đây là vùng được khai thác. Do vậy quy hoạch khai thác khoáng sản của ngành tài nguyên và môi trường ra đời sau nhưng đã chồng lên cả quy hoạch của ngành Văn hoá, du lịch và thể thao lẫn quy hoạch của huyện. Không những ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường mà nó còn liên quan đến an ninh quốc phòng. Đây là bất cập rất lớn vì nếu các quy hoạch khai thác khoáng sản không có sự nghiên cứu, tham gia từ cấp cơ sở sẽ dẫn tới tình trang rất nguy hiểm là phá vỡ mọi quy hoạch của địa phương và những giá trị văn hoá tinh thần ở địa phương.

Tôi không đồng tình với quan điểm lấy quy hoạch của cấp trên áp đặt xuống mà không cần thông qua cấp cơ sở. Việc cấp phép thai thác của một số đơn vị hiện đang khai thác không phải của tỉnh mà là của bộ. Tuy nhiên tỉnh cứ ký, mà không cần biết huyện, xã có ý kiến ra sao. Vì thế quy hoạch của ngành này cứ trùng lên quy hoạch của ngành kia làm huyện chóng cả mặt. Gần đây Thủ tướng Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Hà Nam là một trong những địa phương cần xem xét lại quy hoạch những vùng khai thác sản cho hợp lý để phục vụ cho các lợi ích kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn nhưng xem ra điều này là rất khó thực hiện.

Sau khi các ngành hữu quan đi kiểm tra mức độ bị xâm hại tại Hang Luồn ao Dong, đã có ý kiến đề nghị hiện nay quần thể này khó có thể tiếp tục phát triển du lịch, hãy để các đơn vị khai thác khoáng sản tiếp tục hoạt động. Ông có cho rằng đây là một ý kiến đúng?


Phải đình chỉ, phải ngăn cấm ngay việc khai thác khoáng sản ở những khu vực trên trước khi quá muộn. Về lâu dài khi đời sống vật chất của người dân được nâng lên thì khu vực Hang Luồn ao Dong là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút du khách. Đây là nhu cầu chung của xã hội chứ không riêng gì nhu cầu của địa phương. Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến nhu cầu cục bộ về kinh tế của địa phương mà ở đây là việc gìn giữ cho nhu cầu tinh thần của xã hội, của con cháu ngàn đời sau.

Mặt khác đây còn là vấn đề tư tưởng, nếu khu vực Hang Luồn- Ao Dong vẫn tiếp tục được khai thác thì trong tư tưởng của nhiều ngành, nhiều đơn vị sẽ hình thành tiền lệ xấu và không biết còn bao nhiêu khu vực khác nữa cũng sẽ bị khai thác. Cứ phá rồi đình chỉ, dần dần mọi giá trị về tinh thần sẽ bị chúng ta phá sạch. Theo tôi trước mắt cần sớm nghiên cứu điều chỉnh lại các quy hoạch đã có cho phù hợp. Cần phải kiên quyết loại bỏ quy hoạch khai thác khoáng sản, thu hồi giấy phép của các đơn vị đang khai thác nhanh chóng phục hồi cảnh quan xung quanh thắng cảnh để phục vụ cho quy hoạch du lịch sinh thái lâu dài.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Ninh (Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục