Canada ra khỏi tốp 10 quốc gia chi nhiều nhất cho R&D

Canada đã bị đẩy khỏi tốp 10 nước chi nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D) kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.

Một báo cáo mới về chính sách khoa học và công nghệ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, Canada đã bị đẩy khỏi tốp 10 nước chi nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (R&D) kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2008.

Canada hiện đứng thứ 12 trong OECD về chi tiêu cho R&D, với mức chi năm 2012 là 21,8 tỷ USD, thấp hơn mức 22,7 tỷ USD của năm 2004. Bốn quốc gia và vùng lãnh thổ đứng sau Canada về số tiền chi cho R&D hơn một thập kỷ trước đây là Nga, Ấn Độ, Đài Loan và Brazil đều đã vượt lên trước.

Tỷ lệ chi tiêu cho R&D của Canada trên GDP cũng đáng ngại tương tự, khi liên tục suy giảm trong hơn một thập kỷ, hiện xuống còn 1,69% GDP, thấp hơn mức trung bình 2,4% GDP của OECD.

Quốc gia đứng đầu về tỷ lệ chi cho R&D/GDP là Hàn Quốc, mà Canada đang thương thuyết một hiệp định tự do thương mại, tạo ra những sức ép cạnh tranh mới đối với các doanh nghiệp Canada.

Đáng chú ý nhất là sự vươn lên của Trung Quốc, quốc gia mà OECD cho rằng đang trên đường trở thành nước chi cho R&D nhiều nhất thế giới vào năm 2019, vượt Mỹ - hiện là nước chi nhiều nhất cho R&D.

Canada cũng là quốc gia phát triển duy nhất bị thâm hụt ròng sở hữu trí tuệ, có nghĩa rằng số tiền bỏ ra mua công nghệ của các nước khác nhiều hơn các nước khác mua công nghệ của Canada.

Điều đáng thất vọng nhất là khu vực tư nhân của Canada tiếp tục ít đầu tư vào R&D bất chấp những cảnh báo về các hậu quả. Số tiền các doanh nghiệp đầu tư vào R&D chỉ ở mức 0,88% GDP, mức gần như thấp nhất trong số các nước OECD.

Tuy nhiên, Chính phủ Canada dường như không vội có các biện pháp để tăng cường chi tiêu R&D của nước này. Lần mới nhất mà Ottawa dự thảo một chiến lược khoa học và công nghệ là năm 2007, khi Thủ tướng Harper đã cam kết biến Canada thành "một quốc gia dẫn đầu thế giới trong khoa học, công nghệ và nguồn chủ chốt của đổi mới và sáng tạo doanh nghiệp."

Hơn một năm trước đây, Ottawa đã hứa hẹn đưa ra một chiến lược đổi mới nâng cấp sau nhiều tháng tư vấn, nhưng cho đến nay, kết quả vẫn là số 0, bởi vì chính phủ Bảo thủ không muốn chi nhiều cho lĩnh vực này do quyết tâm cân bằng ngân sách trong năm bầu cử 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục