Cảng Chabahar và sự cân bằng chiến lược của Iran với Trung Quốc-Ấn Độ

Kế hoạch xây dựng một dự án cảng ở thành phố Chabahar của Iran ngày càng nhận được sự chú ý như một trung tâm thương mại toàn cầu tiềm năng - và một đấu trường cho sự cạnh tranh địa chính trị.
Cảng Chabahar và sự cân bằng chiến lược của Iran với Trung Quốc-Ấn Độ ảnh 1Cảng Chabahar. (Nguồn: Twitter)

Theo tạp chí The Diplomat, kế hoạch xây dựng một dự án cảng ở thành phố Chabahar của Iran ngày càng nhận được sự chú ý như một trung tâm thương mại toàn cầu tiềm năng - và một đấu trường cho sự cạnh tranh địa chính trị.

Ấn Độ đóng vai trò là nhà đầu tư chính vào cảng Chabahar, vì New Delhi coi cảng này là một cách để tiếp cận các thị trường Afghanistan và Trung Á mà không cần phụ thuộc vào các tuyến đường bộ của Pakistan. Hơn nữa, cảng này có thể củng cố mối quan hệ giữa Ấn Độ và Iran, cũng như có thể cân bằng đối với sự hợp tác ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Pakistan.

Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn ở Iran, tìm cách tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và các tuyến đường vận chuyển. Đối với Iran, cảng này có thể thúc đẩy các mối quan hệ đối tác ngoại giao và kinh tế mới, nhất là trong bối cảnh Iran là một quốc gia bị bài xích ở phương Tây, Tehran rất cần tìm kiếm các giải pháp thay thế khác.

Với việc Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh để đầu tư vào cảng này, Iran đang cố gắng lợi dụng cả hai bên để nâng cao vị thế của mình, trong khi không bị chi phối bởi bất kỳ bên nào trong hai cường quốc này. Do đó, cảng Chabahar là một ví dụ điển hình về sự hợp tác và cạnh tranh quốc tế, theo đó có thể tạo ra một cuộc cách mạng thương mại trong lĩnh vực này, nhưng đồng thời cũng có thể làm trầm trọng thêm các cuộc cạnh tranh trong khu vực.

Những thông tin cơ bản về cảng Chabahar

Cảng Chabahar nằm ở phía Đông Nam tỉnh Sistan và Baluchestan của Iran. Cảng này có một số đặc điểm nổi bật khiến nó trở nên hấp dẫn xét từ góc nhìn ở cả trong nước và quốc tế. Nằm ở bên bờ Ấn Độ Dương, đây là cảng nước sâu duy nhất ở Iran có lối đi thẳng ra đại dương. Vị trí địa lý gần với các quốc gia như Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, cũng như vị thế là một trung tâm trung chuyển chính trên Hành lang giao thông quốc tế Bắc Nam đang phát triển, mang lại cho cảng này tiềm năng phát triển thành một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất trong khu vực.

Chabahar cũng là một trong số ít những địa điểm ở Iran được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ và điều này giúp đơn giản hóa đáng kể các thủ tục thương mại với các nước khác.

Cảng Chabahar có khả năng trung chuyển thương mại ở Nam và Trung Á. Các tuyến đường thương mại trên bộ được đề xuất kết nối với cảng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận thị trường Afghanistan và Trung Á.

Tác động của việc tăng cường kết nối này có ý nghĩa to lớn đối với Afghanistan nói riêng, mặc dù hậu quả từ việc lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước có thể gây nguy hiểm cho các kế hoạch trong tương lai. Hiện tại, Afghanistan tiến hành hầu hết hoạt động thương mại của mình thông qua các tuyến đường qua Pakistan. Cảng Chabahar có thể cung cấp một cửa ngõ thương mại thay thế cho Afghanistan. Đồng thời, cảng này cũng có tiềm năng tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Afghanistan vì sẽ cho phép hàng hóa từ các nước khác dễ dàng vào Afghanistan và thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của nước này.

Đối với các quốc gia Trung Á, cảng Chabahar sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia không giáp biển này tiếp cận các tuyến đường thương mại trên biển và đóng vai trò như một bức tường thành chống lại các nỗ lực thống trị thương mại của Trung Quốc và Nga trong khu vực. Do đó, mở rộng thương mại với Afghanistan và các nước Trung Á có thể giúp củng cố vị thế của Iran trên trường quốc tế.

[Iran và Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược]

Nhiều nhà phân tích thời sự quốc tế đánh giá Iran là một cường quốc khu vực với tiềm năng trở thành siêu cường toàn cầu dựa trên các tiêu chí như sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, sức mạnh quân sự và dân số hùng hậu. Tuy nhiên, vị thế siêu cường toàn cầu của Iran bị hạn chế chủ yếu bởi các mối quan hệ đối đầu với các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và Saudi Arabia, cũng như các lệnh trừng phạt kinh tế làm tê liệt năng lực thương mại quốc tế của nước này. Để vượt qua những hạn chế này, Iran đã tìm cách củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Á có quan hệ ít đối địch hơn với nước này.

Trong bối cảnh đó, cảng Chabahar được coi như một phương tiện kết nối không chỉ với Afghanistan và Trung Á, mà còn với các đầu tàu kinh tế toàn cầu như Ấn Độ và Trung Quốc. Xét tới việc ngân sách phát triển của Iran dành cho tỉnh Sistan và Baluchestan, nơi có cảng Chabahar, đã tăng vọt 2.200% kể từ năm 2018, rõ ràng Chabahar sẽ là một phần không thể thiếu trong chiến lược can dự về phía Đông của Iran.

Cạnh tranh địa chính trị đối với cảng Chabahar

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có kế hoạch riêng đối với cảng Chabahar cũng như trong quan hệ song phương với Iran. Ấn Độ có lịch sử gắn bó sâu rộng với cảng Chabahar, vì New Delhi coi cảng này là cơ hội để củng cố vị thế của Ấn Độ như một cường quốc khu vực và toàn cầu. Ấn Độ, với dân số lớn thứ hai trên thế giới, nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới và nỗ lực lâu nay để trở thành ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là một ứng viên chính cho vị thế siêu cường toàn cầu trong tương lai. Ấn Độ đã tìm cách mở rộng phạm vi thị trường ở Tây và Trung Á để củng cố hơn nữa tiềm năng này.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã bị cản trở nghiêm trọng trong việc thiết lập giao thương trên bộ với các quốc gia ở phía Tây của nước này, vì hầu như tất cả các tuyến đường đó sẽ phải đi qua Pakistan - đối thủ của Ấn Độ. Việc thiết lập tuyến đường thương mại trên biển đến Tây và Trung Á qua cảng Chabahar sẽ cho phép Ấn Độ vượt qua Pakistan và thiết lập mạng lưới thương mại với các nước trong khu vực này.

Sự hợp tác giữa Ấn Độ và Iran về cảng Chabahar bắt đầu từ năm 2003. Tuy nhiên, nỗ lực chung của hai nước chỉ bắt đầu thu hút được sự chú ý vào khoảng năm 2016, khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ đầu tư 500 triệu USD để phát triển cảng Chabahar. Một chất xúc tác chính cho sự hồi sinh hợp tác giữa hai nước bắt nguồn từ thông báo năm 2013 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ bắt đầu dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Theo quan điểm của Ấn Độ, Trung Quốc, với dân số lớn nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ hai và việc nắm giữ các vị trí nổi bật tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác, là đối thủ chính của New Delhi cho vị thế siêu cường.

Cảng Chabahar và sự cân bằng chiến lược của Iran với Trung Quốc-Ấn Độ ảnh 2(Nguồn: thediplomat.com)

Hơn nữa, sự hợp tác của Trung Quốc với Pakistan thông qua việc phát triển cảng Gwadar và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đã làm dấy lên lo ngại về cách thức mà mối quan hệ đối tác của hai đối thủ chính của Ấn Độ có thể tác động đến quốc gia này. Do đó, việc Ấn Độ tham gia vào cảng Chabahar đóng vai trò như một chiến lược chủ chốt để củng cố vị thế siêu cường của nước này bằng cách mở rộng sự hiện diện trên thị trường khu vực và sử dụng liên minh Ấn Độ-Iran để đối phó với Trung Quốc cũng như sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ không phải là siêu cường duy nhất có cổ phần ở cảng Chabahar, vì Trung Quốc cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với Iran để đảm bảo nguồn dự trữ năng lượng và tài nguyên khoáng sản cũng như tiếp cận các tuyến đường thương mại Á-Âu thuận lợi. Việc Trung Quốc tiếp cận cảng Chabahar sẽ mang lại lợi ích to lớn đối với các mục tiêu này, vì Trung Quốc có thể kết nối cảng Chabahar với mạng lưới thương mại trên biển rộng lớn của riêng mình.

Xét tới việc đầu tư của Trung Quốc vào cảng Gwadar của Pakistan, một động lực chính khác khiến Trung Quốc quan tâm đến cảng Chabahar là ngăn cản Ấn Độ tiếp cận các tuyến đường đến Afghanistan và Trung Á. Trong khi Trung Quốc vẫn chưa trực tiếp tham gia vào dự án cảng Chabahar, nhiều nhà phân tích cho rằng chương trình hợp tác 25 năm giữa Trung Quốc và Iran được ký kết gần đây, trong đó Trung Quốc đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào nền kinh tế Iran để đánh đổi lấy giá năng lượng được bảo đảm và chiết khấu cũng như sự hợp tác của Iran đối với các dự án BRI, như một cách để Bắc Kinh từng bước khẳng định sự hiện diện của mình tại cảng này.

Trong khi phạm vi hợp tác giữa Trung Quốc-Iran ở cảng Chabahar vẫn còn hạn chế vào thời điểm này, bằng chứng về các hoạt động tăng cường của Trung Quốc với Iran cho thấy nước này đang cố gắng cạnh tranh với Ấn Độ để có ảnh hưởng lớn hơn trong khu vực.

Hành động cân bằng của Iran

Sự can dự ngày càng tăng của Ấn Độ và Trung Quốc vào cảng Chabahar đã khuấy động các cuộc tranh luận giữa các giới chính trị tại Iran về cách tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của họ trong khi giảm thiểu rủi ro cho chính Iran. Các cơ hội kinh tế và ngoại giao mà Ấn Độ và Trung Quốc mang lại có thể giúp Iran củng cố tham vọng cường quốc của mình, nhưng việc chia sẻ quyền lực và các thỏa thuận thương mại không cân xứng có thể khiến Iran luôn bị coi là một đối tác cấp dưới. Do đó, Tehran đang cố gắng tìm cách cân bằng chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Ví dụ, việc Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gần đây - một tổ chức bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ - phản ánh mong muốn thành lập một liên minh chống lại bá quyền phương Tây trong khi tìm cách khẳng định vai trò tích cực hơn trong các vấn đề ở Trung Á và Trung Đông.

Iran có thể sử dụng tư cách thành viên của mình trong SCO và các sáng kiến đa phương khác như một phương tiện để lợi dụng sự đối địch giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Cụ thể, Iran có thể đe dọa sẽ sát cánh hơn với bên này nếu như Tehran không đạt được những nhượng bộ lớn hơn từ bên kia. Do đó, Iran có thể tận dụng sự cạnh tranh Trung Quốc-Ấn Độ để nâng cao vị thế siêu cường của chính mình trong khi vẫn duy trì bản chất độc lập lâu này của nước này là không liên kết quá chặt chẽ với cả “phương Đông hay phương Tây.”

Tuy nhiên, một số biến số có thể làm gián đoạn quỹ đạo phát triển hiện tại của cảng Chabahar. Việc lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan đã tác động lớn đến các kế hoạch thiết lập các mạng lưới thương mại tăng cường giữa Iran với quốc gia này cũng như khu vực Trung Á - một vấn đề đau đầu lớn với Ấn Độ nói riêng.

Trong khi đó, sự bất ổn của chế độ Iran thường xuyên đe dọa làm gián đoạn khả năng lâu dài của Iran trong việc theo đuổi các lợi ích quốc tế và khu vực của mình. Tuy nhiên, cảng Chabahar đang dần trở thành một chiến trường chủ chốt cho các tham vọng lãnh đạo của cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ ở khu vực Nam và Trung Á, đồng thời có thể đóng một vai trò quan trọng đối với mong muốn của chính Iran nhằm nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục