Cảnh báo tình trạng khẩn cấp về giáo dục tại Yemen

Trong báo cáo công bố ngày 25/3, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) cho biết xung đột kéo dài gần 1 thập kỷ tại Yemen đã khiến khoảng 4,5 triệu trẻ em không thể đến trường.

Giáo viên tình nguyện dạy học cho trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Hajjah, Yemen ngày 7/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giáo viên tình nguyện dạy học cho trẻ em tại một trại tị nạn ở tỉnh Hajjah, Yemen ngày 7/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xung đột kéo dài gần 1 thập kỷ tại Yemen đã khiến khoảng 4,5 triệu trẻ em không thể đến trường.

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children) đã đưa ra con số trên trong báo cáo công bố ngày 25/3, cho thấy cuộc sống ở Yemen vẫn hết sức khó khăn mặc dù đã có lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian từ tháng 4/2022.

Báo cáo nêu rõ cứ 5 trẻ em tại Yemen có 2 em không được đến trường. Khoảng 33% số gia đình được khảo sát ở Yemen có ít nhất 2 trẻ em phải nghỉ học trong 2 năm qua, bất chấp lệnh ngừng bắn.

14% gia đình được khảo sát cho rằng bất ổn là nguyên nhân khiến trẻ em phải nghỉ học, trong khi khoảng 44% chỉ ra các nguyên nhân kinh tế. Khoảng 20% số gia đình được hỏi cho biết không thể trang trải học phí cho con em.

Báo cáo kết luận tác động của cuộc khủng hoảng giáo dục đối với trẻ em Yemen và tương lai của các em là nghiêm trọng, cảnh báo "cả một thế hệ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau nếu không có sự can thiệp ngay lập tức."

Bất ổn an ninh và kinh tế đã đẩy hơn 60% trong số 33 triệu người dân Yemen rơi xuống dưới mức nghèo khổ.

Ông Mohammed Manna, quyền Giám đốc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Yemen nhấn mạnh sau 9 năm xung đột, nước này đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về giáo dục chưa từng có.

Ông cho rằng báo cáo trên là lời cảnh tỉnh để cộng đồng quốc tế cần phải hành động để bảo vệ trẻ em tại Yemen.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi lực lượng Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam hồi tháng 3/2015 và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của nước này, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải sang lưu vong tại Saudi Arabia.

Năm 2015, liên minh các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực. Hiện Houthi vẫn kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục