Ngày 27/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết bệnh tật học đường là những bệnh, tật học sinh mắc phải có liên quan đến điều kiện học tập không đảm bảo. Các bệnh học đường thường gặp ở Việt Nam là cận thị, cong vẹo cột sống.
Nguyên nhân là do các yếu tố vệ sinh trường học không đảm bảo như chiếu sáng kém, bàn ghế không phù hợp với kích thước cơ thể học sinh, chế độ học tập căng thẳng khiến học sinh không có đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Theo báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), tỷ lệ cận thị gia tăng nhanh (nhất là từ cuối những năm 90 của thế kỉ 20). Học sinh nội thành có nguy cơ mắc cận thị cao hơn 3 lần so với học sinh ngoại thành.
Cận thị là một tật khúc xạ của mắt khiến cho mắt không nhìn được xa. Muốn nhìn rõ vật, người bị cận thị phải đeo kính phân kỳ (kính lõm) hoặc để vật gần mắt hơn. Khi bị cận thị, trẻ sẽ giảm khả năng học tập, hạn chế các hoạt động, dễ bị tai nạn thương tích, hạn chế trong việc lựa chọn ngành nghề.
Thậm chí có những trẻ cận thị dẫn đến biến chứng võng mạc, mù lòa. Học sinh bị cận thị thường hay nheo mắt, chói mắt, giụi mắt; có biểu hiện nhức đầu; chảy nước mắt, luôn có xu hướng muốn nhìn gần; có thể chép nhầm bài và kém hiệu quả trong các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ hình, tập đọc...
Thạc sỹ, bác sỹ Lỗ Văn Tùng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết bên cạnh bệnh cận thị, học sinh còn dễ mắc bệnh cong vẹo cột sống. Trong thập kỷ 80, tỷ lệ cong vẹo cột sống ở học sinh là 27%. Năm 2005, tại Hà Nội tỷ lệ này là 18,9%.
Bác sỹ Lỗ Văn Tùng nêu rõ cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị uốn cong về bên trái hoặc bên phải hoặc bị cong quá mức về phía trước hay phía sau; do đó không giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường. Nguyên nhân của bệnh là do bệnh cơ, bệnh thần kinh, do những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, do loạn dưỡng xương hoặc do chấn thương.
Ở trường học, do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp; mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém); do thói quen tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế). Trẻ bị cong vẹo cột sống nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống sẽ tiến triển nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống.
Để phòng chống bệnh cận thị và cong vẹo cột sống ở học sinh, nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng chống 2 bệnh này; cải thiện điều kiện vệ sinh phòng học (đảm bảo đủ ánh sáng cho các phòng học, sắp xếp bàn ghế phù hợp).
Đồng thời, các gia đình cần nâng cao sức khỏe cho trẻ (như có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường các hoạt động thể lực, đảm bảo thời gian ngủ, nghỉ ngơi); giữ gìn vệ sinh thị giác (tránh gây quá tải mắt, đảm bảo tốt chiếu sáng, đảm bảo khoảng cách nhìn gần và khoảng cách xem tivi bằng 7 lần độ rộng màn hình; tăng cường hoạt động ngoài trời.
Đặc biệt, các gia đình phải theo dõi để giữ gìn tư thế đúng cho trẻ; không để trẻ mang vác vật nặng một bên tay, sử dụng cặp sách 2 quai; không đi dép quá cao; ngồi học ngay ngắn, đúng tư thế.../.