Cạnh tranh quyết liệt ở vị trí Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2022-2026

Đại hội Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa IX đang cận kề ngày tổ chức, dẫn đến cuộc cạnh tranh ở nhiều vị trí chủ chốt ngày một quyết liệt hơn.
Đại hội Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa IX không có sự cạnh tranh ở vị trí Chủ tịch VFF. (Ảnh: VFF)
Đại hội Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa IX không có sự cạnh tranh ở vị trí Chủ tịch VFF. (Ảnh: VFF)

Đại hội Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026 dự kiến diễn ra vào ngày 6/11 sắp tới tại Hà Nội.

Cuộc cạnh tranh đáng chờ đợi nhất ở vị trí chủ chốt Chủ tịch VFF không xảy ra khi chỉ có một ứng viên duy nhất, khác hẳn với các kỳ đại hội trước đây với nhiều “ứng viên nặng ký.”

Ở vị trí Chủ tịch VFF, chỉ có ông Trần Quốc Tuấn là ứng viên duy nhất khi đang nắm giữ Quyền Chủ tịch ở khóa VIII. Trong khi đó, có 8 ứng viên tham gia tranh cử vào các vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn, tài chính-tài trợ và truyền thông-đối ngoại. Còn lại, 25 thành viên khác sẽ tham gia ứng cử vào 13 vị trí Ủy viên ban chấp hành.

Tính cạnh tranh lớn nhất ở Đại hội Ban chấp hành VFF khóa IX bất ngờ đến ở vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông-đối ngoại với 5 ứng viên.

Đó là ông Cao Văn Chóng (Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VIII; Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương), ông Nguyễn Quốc Hội (Uỷ viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khoá VIII; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thể thao Hà Nội T&T), bà Nguyễn Thị Hoàng Phương (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền hình Cáp Việt Nam) và ông Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Phù Đổng).

Cạnh tranh quyết liệt ở vị trí Phó chủ tịch VFF nhiệm kỳ 2022-2026 ảnh 1Ban chấp hành VFF khóa VIII sau đại hội vào tháng 12/2018. (Ảnh: VFF)

Trong khi đó, cuộc đua tới vị trí Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính-tài trợ cũng ngày một “nóng.” Các ứng viên cho chức danh này gồm ông Nguyễn Trung Kiên (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp truyền hình Thế hệ mới - Next Media), ông Lê Văn Thành (Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính và Vận động tài trợ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VIII; Chủ tịch Hội đồng Quản trị – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Động Lực).

Khóa VIII (giai đoạn 2018-2022) được ví như nhiệm kỳ thành công nhất lịch sử của bóng đá Việt Nam với hàng loạt những dấu ấn lịch sử với nhiều cấp độ đội tuyển. 

Song, thành công càng lớn kéo theo những đòi hỏi cao ở các vị trí chủ chốt của Ban chấp hành khóa mới, như cần phải nỗ lực để duy trì và phát triển hơn với các bước tiếc mới.

Nhiệm kỳ VIII của VFF được coi như quãng thời gian thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Phó chủ tịch VFF, ông Cao Văn Chóng cho biết bóng đá Việt Nam có rất nhiều kế hoạch phải thực hiện. Đầu tiên, VFF chú trọng chuẩn bị cho các giải đấu, các sự kiện bóng đá quan trọng của khu vực và châu lục. Cơ quan đứng đầu bóng đá Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ, cải tiến phương thức thi đấu tại các giải trẻ, hoàn thiện cấu trúc hệ thống các giải bóng đá quốc gia và tạo sự ổn định đối với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp...

Đặc biệt, theo phương hướng hoạt động, VFF khóa IX cần tiếp tục tăng cường phát triển quan hệ quốc tế, qua đó mở rộng, nâng cao quan hệ đối ngoại, tăng cường công tác xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ của FIFA, AFC. VFF cũng cần học hỏi mô hình, kinh nghiệm làm bóng đá của các nước có nền bóng đá phát triển. Đây là giải pháp hiệu quả, góp phần đảm bảo các điều kiện cần thiết đối với hoạt động phát triển bóng đá, nâng cao chất lượng chuyên môn cho các đội tuyển./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục