Cao tốc Bắc-Nam: Nhiều nhà thầu sơ tuyển, mức phí thu như thế nào?

Các dự án đường cao tốc Bắc-Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư sơ tuyển và Bộ Giao thông Vận tải cam kết sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất để thi công đại công trình này.
Cao tốc Bắc-Nam: Nhiều nhà thầu sơ tuyển, mức phí thu như thế nào? ảnh 1Các dự án cao tốc Bắc-Nam có nhiều nhà đầu tư tham gia sơ tuyển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải sẽ đồng loạt khởi công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam bằng vốn đầu tư công đồng thời cũng đẩy nhanh lựa chọn nhà thầu nhằm đảm bảo công tác thi công đáp ứng đúng tiến độ yêu cầu.

Đồng loạt khởi công các dự án

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình triển khai thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vào sáng 26/9, với 3 dự án cao tốc Bắc-Nam vốn đầu tư công gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được chấp thuận về việc tổ chức đồng thời khởi công xây dựng 3 dự án này vào ngày 30/9 tới.

“Việc triển khai khởi công xây dựng 3 dự án này đã cụ thể hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép ‘vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Ông Đông cũng cho biết hơn 90% mặt bằng của 3 dự án cao tốc Bắc-Nam bằng vốn đầu tư công đã sẵn sàng bàn giao cho nhà thầu, đây là điều kiện để có thể triển khai ngay công tác thi công dự án.

[Khởi công 3 dự án cao tốc Bắc-Nam tại Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai]

Thứ trưởng Đông nhìn nhận việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng là điểm mới của dự án cao tốc Bắc-Nam, thực hiện trước khi triển khai xây lắp, đây cũng là điều kiện để phân định rõ ràng trách nhiệm của chủ đầu tư, địa phương, nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án. Trong hợp đồng cũng có quy định thưởng phạt rõ ràng nếu ảnh hưởng tiến độ, chất lượng do lỗi của nhà thầu hay do địa phương không kịp thời giải phóng mặt bằng.

“Tuy nhiên, hai vướng mắc lớn nhất của công tác giải phóng mặt bằng hiện nay là di dời công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật như đường điện, đường nước và hoàn thành khu vực tái định cư. Những nút thắt này cần được giải quyết trong thời gian tới, nếu khu tái định cư chưa xong có thể cho người dân tạm cư để sớm bố trí mặt bằng thi công,” Thứ trưởng Đông nói.

Liên quan đến đánh giá năng lực nhà thầu tham gia đấu thầu, Thứ trưởng Đông cho hay, nếu dự án nhà thầu từng tham gia hiện đang bị cơ quan chức năng khởi tố sẽ không được tính dự án đó vào hồ sơ để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong việc giám sát quá trình lựa chọn nhà thầu, chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các cơ quan. Bên cạnh đó, Bộ cũng có quy định về số lượng nhà thầu tham gia liên danh để đấu thầu, trách nhiệm của nhà thầu chính, nhà thầu phụ trong thực hiện các hạng mục công việc.

Rút kinh nghiệm trước đây, theo ông Đông, các dự án này khi phát hành hồ sơ mời thầu đã ghi rõ điều kiện mỗi liên danh không quá ba nhà thầu, để đảm bảo mỗi nhà thầu thi công tối thiểu 25% khối lượng.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã ghi nhận 50 nhà thầu và liên danh nhà thầu tham gia đấu thầu thi công ba dự án cao tốc Bắc- Nam. Tuy nhiên, các đơn vị trực thuộc Bộ vẫn đang hoàn tất thủ tục, đến nay chưa có tên cụ thể các nhà thầu trúng tuyển thực hiện ba dự án này, Bộ sẽ hoàn thành vào ngày 30/9 tới đây.

Mức phí cao tốc tính toán ra sao?

Về mức phí đối với tuyến cao tốc Bắc-Nam, theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP-Bộ Giao thông Vận tải), với dự án đầu tư công, Quốc hội, Chính phủ đang giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu đề án thu phí hoàn vốn lại cho Nhà nước, bổ sung vào thu phí sử dụng đường bộ trong danh mục phí và lệ phí, trước mắt áp dụng cho các dự án đường cao tốc vì tuyến đường này có sự lựa chọn cho người dân, có thể lưu thông trên cao tốc hoặc đi theo Quốc lộ 1.

“Ba dự án cao tốc bằng vốn đầu tư công sau khi hoàn thành sẽ tiến hành thu phí với mức dự kiến từ 1.500-2.000 đồng/km.  Riêng mức phí với dự án PPP phải bảo đảm hoàn vốn, trong dự án đã có quy định mức phí ở từng thời điểm khác nhau,” ông Thành nói.

[Bộ GT-VT: Sẽ lựa chọn nhà thầu tốt nhất làm cao tốc Bắc-Nam]

Bổ sung thêm, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, đường cao tốc là đường có tính thương mại cao như an toàn, lưu thông hơn nên chủ xe phải trả tiền cho việc lưu thông thuận tiện này, còn không sẽ đi đường khác với thời gian chậm như Quốc lộ 1.

“Với các dự án cao tốc được đầu tư theo hình thức PPP, Nhà nước vẫn đóng góp tiền vào làm đường, và số tiền này là thuế của dân, còn phần nhà đầu tư vào thì phải thu hồi, khi hết thời hạn đường sẽ là của Nhà nước. Do đó, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng nói rõ đường cao tốc thu phí trọn đời,” ông Đông cho hay.

Đề cập đến 5 dự án cao tốc Bắc-Nam theo hình phức PPP, theo Thứ trưởng Đông, từ ngày 2-5/10 tới sẽ chấm thầu lựa chọn nhà đầu tư, quá trình đấu giá thầu sẽ mất 2-3 tháng sẽ công bố, sau đó ký hợp đồng. Các nhà đầu tư, phải hiện thực hoá các cam kết tổng hồ sơ thầu thành hợp đồng. Nếu trong vòng sáu tháng ký hợp đồng mà nhà đầu tư không có hợp đồng tín dụng sẽ huỷ kết quả nhà thầu.

Song, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, hiện nay tín dụng cho năm đoạn cao tốc này rất khó khăn, trong bối cảnh Luật PPP đang xây dựng và các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng cho hạ tầng giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục