Cao tốc đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa sẽ rút ngắn tiến độ từ 3-6 tháng

Với sự quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư và nhà thầu, một số Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 sẽ rút ngắn tiến độ thi công từ 3-6 tháng.

Nhà thầu thi công thảm bê tông nhựa nền đường một Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công thảm bê tông nhựa nền đường một Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 1/4, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho hay một số Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3-6 tháng.

Nhiều dự án phát huy được hiệu quả đầu tư

Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự phối hợp chặt chẽ có trách nhiệm, sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương, ông Dũng nhìn nhận ngành Giao thông Vận tải đã đạt được một số kết quả nổi bật như nhiều khó khăn, vướng mắc tồn tại từ lâu tại một số dự án đã được tập trung xử lý; nguồn vật liệu cát đắp các dự án khu vực phía Nam đã cơ bản được tháo gỡ; tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo.

Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai thi công các dự án, công trình hạ tầng giao thông tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, bài bản, tiến độ các dự án cơ bản đạt mục tiêu đề ra.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt chủ trương đầu tư 65/66 dự án, phê duyệt dự án đầu tư 55/65 dự án. Bảy dự án đã được tổ chức khởi công gồm: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; Dự án đường tránh phía đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; nâng cấp tuyến Cao Lãnh-Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp; nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B Lạng Sơn; cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia-giai đoạn 1 (khu vực phía Nam).

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành theo đúng tiến độ.

Cũng trong quý 1, có 4 dự án, hạng mục công trình đã được hoàn thành gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C, tỉnh Tuyên Quang; hạng mục xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long đường Vành đai 3 thành phố Hà Nội; Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo và dự án Quốc lộ 37 Hải Phòng giai đoạn 1.

Với hơn 450km đường bộ cao tốc mới đưa vào sử dụng, 8 tuyến cao tốc được xem xét, triển khai nâng tốc độ 8 tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư đủ điều kiện với vận tốc 90km/h (gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Lào Cai-Kim Thành) đã giúp tiết giảm thời gian đi lại nhiều giờ giữa các vùng, miền, giúp giảm chi phí vận tải, giảm tai nạn giao thông, thúc đẩy giao thương hàng hóa.

vnp_cao toc 27032024.jpg
Dự án Cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đã đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Các dự án giao thông hoàn thành, đưa vào khai thác đã phát huy ngay hiệu quả, giúp thúc đẩy hoạt động vận tải, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm,” ông Dũng khẳng định.

Về sản lượng hành khách trong quý 1 thông qua sân bay này đạt 70.113 người, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2022, tăng gần 77% so với cùng kỳ năm 2021.

Nỗ lực tăng tốc về đích các dự án năm nay

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Dũng cũng chỉ ra còn một số tồn tại, hạn chế, như vẫn còn một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng, nguồn vật liệu, nhất là vật liệu cát đắp cho các dự án khu vực phía Nam cơ bản được giải quyết nhưng nguy cơ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu của Dự án; vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc, đặc biệt liên quan đến phương tiện kinh doanh vận tải; tình trạng thiếu máy bay, giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân;…

Đưa ra nhiệm vụ trong quý tới, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền để tiếp thu, hoàn thiện các Đề án, nhất là các Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Đề án quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không, Đề án điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, Đề án quy hoạch hệ thống cảng biển.

Uong Dung.jpeg
Ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông Vận. (Ảnh: PV/Vietnam+).

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến trong vận tải hàng không, quản lý nghiêm việc điều phối, sử dụng lượt cất hạ cánh (Slot) của các hãng hàng không; giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt chỉ đạo các Ban Quản lý dự án, nhà thầu phải nỗ lực, tăng tốc về đích các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2024, nhất là 2 dự án hoàn thành trước 30/4 tới đây là Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Diễn Châu-Bãi Vọt; điều hành linh hoạt kế hoạch đầu tư công năm 2023 để đảm bảo mục tiêu giải ngân tối đa nguồn vốn kế hoạch được giao.../.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, ba tháng đầu năm nay, vận tải hàng hóa ước đạt hơn 620 triệu tấn, tăng 13%; Vận chuyển hành khách ước đạt 1.200 triệu lượt khách, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý 1 năm nay, tai nạn giao thông toàn quốc xảy ra 6.552 vụ, làm chết 2.723 người, bị thương 5.246 người. So với ba tháng đầu năm 2023, giảm 486 người chết, tương ứng giảm hơn 15%.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục