Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại Bình Định có thể về đích sớm

Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn dài có tổng chiều dài toàn tuyến là 70,1km qua tỉnh Bình Định. Hiện, địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng cho các nhà thầu thi công.

Thi công trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Thi công trên tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Bình Định. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Ngày 5/3, đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đã đi kiểm tra việc bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án Đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Sau khi thực tế kiểm tra tiến độ một số đoạn đường cao tốc tại Bình Định, tại Km36+00 thuộc gói thầu 12XL, đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao sự phối hợp giữa Ban Quản lý dự án với các nhà thầu và địa phương, nhất là về tiến độ thực hiện, theo đó, cao tốc đã cơ bản hoàn thành đạt đúng với tiến độ đề ra và có thể về đích sớm hơn nữa nếu các vướng mắc về giải phóng mặt bằng được sớm giải quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, qua việc đi kiểm tra thực tế và báo cáo của các nhà thầu cho thấy được sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi công dự án, các nhà thầu chủ động để triển khai thi công. Nhờ đó dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2025, về đích trước 3 tháng (trước đây dự kiến tuyến đường hoàn thành vào 31/12/2025).

“Ngoài việc đảm bảo về tiến độ, các đồng chí phải đảm bảo về chất lượng của giai đoạn 2 này. Đi phải êm, các tiêu chuẩn, điều kiện về kỹ thuật đều phải đạt,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Bộ trưởng đánh giá hai tỉnh Bình Định và Phú Yên thời gian qua đã có nhiều cố gắng trong đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý dự án. Đặc biệt, tỉnh Bình Định cơ bản đã hoàn thành hết việc giải phóng mặt bằng chỉ còn 1 đoạn liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng.

Bộ cũng đang cố gắng cùng với địa phương và Chính phủ tiếp tục xử lý. Riêng tỉnh Phú Yên cần tiếp tục quan tâm đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bộ trưởng cũng đề nghị hai tỉnh Phú Yên, Bình Định cần triển khai nhanh việc di dời các hạ tầng kỹ thuật; bởi lẽ nếu di dời càng sớm thì nhà thầu càng có nhiều thời gian để thi công.

Liên quan đến tính đồng bộ của dự án, Bộ trưởng đề nghị khi hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông phần cứng thì các đơn vị cũng phải hoàn thành toàn bộ hạ tầng giao thông phần mềm.

Đó chính là hệ thống ITS (hệ thống giao thông thông minh) để khi đưa vào khai thác thì mới đồng bộ. Song song với đó là hoàn thành các trạm dừng nghỉ trên cả hệ thống.

bao cao bo truong.jpg
Các đơn vị thi công báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về tiến độ thi công tuyến đường. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Đối với các đường đấu nối lên cao tốc thì Ban quản lý phải làm việc với tỉnh và các đơn vị liên quan và trên cơ sở cân đối nguồn vốn để tạo điều kiện tối đa cho địa phương nơi có đường cao tốc đi qua nhưng với tinh thần đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật và theo quy định của pháp luật.

Việc mở các đường đấu nối sẽ mở ra các hành lang phục vụ cho phát triển kinh tế cũng như phục vụ cho nhu cầu đi lại, vận chuyển, vận tải hàng hóa của nhân dân.

Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài toàn tuyến là 70,1km qua tỉnh Bình Định (thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ, huyện Phù Cát, huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn).

Dự án có tổng mức đầu tư là 12.401,25 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 85 làm chủ đầu tư.

Hiện, địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng cho các nhà thầu, tuy nhiên các nhà thầu chỉ mới tiếp cận được khoảng 99,74%.

Tại báo cáo của Ban Quản lý dự án 85, tiến độ tổng thể đã được duyệt, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12/2025; trong đó, đến hết năm 2024 sản lượng của dự án đạt khoảng 5.600 tỷ đồng, tương đương với 72,85 % giá trị hợp đồng.

thi cong2.jpg
Tuyến đường cao tốc Bắc-Nam dần hình thành ở Bình Định. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Trong thời gian qua, Ban Ban quản lý dự án 85 đã chỉ đạo các nhà thầu lập lại tiến độ thi công để để rút ngắn tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông và Vận tải, nhưng do một số lý do khách quan nên chưa thể điều chỉnh rút ngắn tiến độ.

Cụ thể, tại gói thầu 11-XL, đoạn qua rừng tự nhiên có khối lượng đất, đá tận dụng rất lớn (khoảng 2,6 triệu m3, dự kiến thi công trong khoảng 12 tháng) còn vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng đến nay vẫn chưa được giải quyết; gói thầu số 12-XL có khối lượng đắp đất nền đường khai thác từ mỏ rất lớn khoảng 7,3 triệu m3.

Tuy nhiên năm 2023, các nhà thầu mới cơ bản hoàn thành các thủ tục xin cấp phép và khai thác được một phần nên cần phải có thời gian để triển khai thi công đặc biệt là một số đoạn đắp cao, thay đất xử lý đất yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục