Nhiều Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông chậm tiến độ thi công

Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông có nhiều nguyên nhân chậm tiến độ từ nguồn cung vật liệu xây dựng và cả năng lực thi công của nhà thầu.

Nhà thầu thi công thảm nhựa mặt đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công thảm nhựa mặt đường một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải liên tục đốc thúc có các giải pháp tổ chức đẩy nhanh tiến độ, tuy nhiên, với những vướng mắc về nguồn vật liệu, năng lực nhà thầu thi công, một số Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông vẫn đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Có dự án chậm tiến độ từ 2-6 tháng

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã hoàn thành 9/11 dự án và Dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892km, trong đó riêng năm 2023 là 475km.

Hai dự án còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT gồm Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo, các chủ đầu tư, nhà thầu đang tích cực triển khai để hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, đến giữa tháng 2/2024, sản lượng thi công Dự án đoạn Cam Lâm-Vĩnh Hảo đạt gần 95% giá trị hợp đồng (chậm tiến độ khoảng 0,5% theo tiến độ điều chỉnh lần 2). Một số hạng mục chậm tiến độ như: công tác triển khai thi công trạm thu phí, hệ thống giao thông thông minh (ITS), nút giao Thuận Nam, một số vị trí đường gom bổ sung (hiện đang hoàn thiện phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh).

Dự án Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt sản lượng thi công vẫn chưa đạt 71% giá trị hợp đồng, chậm 3,6% so với tiến độ điều chỉnh lần 4 bao gồm hạng mục xử lý đất yếu chậm khoảng 5 tháng; hầm Thần Vũ chậm khoảng 2 tháng; Cầu Hưng Đức chậm khoảng 2 tháng.

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu đoạn Cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt phấn đấu hoàn thành 30km từ nút giao Quốc lộ 7 đến nút giao Quốc lộ 46B (đi về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) trước ngày 30/4/2024. Đoạn còn lại 19km có đất yếu cần thời gian chờ gia tải nên hoàn thành sau.

Với 12 dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy đến nay tiến độ đạt 20.889/98.372 tỷ đồng (khoảng 21,2% giá trị hợp đồng); giá trị giải ngân năm 2023 được 47.199/47.881 tỷ đồng, đạt 99%.

Một số đoạn tiến độ thi công chậm hơn so với kế hoạch do vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt 2 dự án khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau.

vnp_cao toc Can Tho-Hau Giang.jpg
Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau vẫn thiếu nguồn cát đắp nền đường thi công dự án. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, về tổng thể tiến độ cả 2 dự án thành phần Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau đạt 3.984/18.812 tỷ đồng, đạt 21,2% hợp đồng và chậm 4% giá trị kế hoạch. Dự án đã huy động tổng cộng 167 mũi thi công, 686 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.096 nhân sự kỹ sư, công nhân hiện trường thực hiện các hạng mục tại công trường.

“Hiện nay, dự án đã bị chậm khoảng 6 tháng. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cùng với các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát đã xây dựng kế hoạch thi công năm 2024 phải đạt tối thiểu 60% giá trị hợp đồng,” lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quả quyết.

Trước bối cảnh nguồn cung cấp vật liệu cho dự án còn tiếp tục khó khăn, trong khi tiến độ đắp nền và gia tải đã bị chậm so với dự kiến ban đầu; chiều dài tuyến phải xử lý đất yếu là rất lớn, thời gian thi công và chờ lún kéo dài, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu giải pháp để rút ngắn tối đa thời gian chờ lún bằng cách điều chỉnh giải pháp kỹ thuật, phân chia công địa thi công theo thứ tự ưu tiên những đoạn có thời gian chờ lún lâu triển khai thi công trước, tăng công suất mỏ, điều phối khối lượng cát hiện có giữa các đơn vị để đảm bảo đủ vật liệu thi công các đoạn tuyến ưu tiên...

Rà soát chi tiết tiến độ từng gói thầu

Nhằm đảm bảo thời gian về đích của các Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng tiến độ chi tiết các khối lượng của từng gói thầu, hạng mục chưa thi công hoàn thành tương ứng với thời gian còn lại.

“Các nhà thầu tổ chức thi công linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, tăng cường nguồn lực tranh thủ thời tiết thi công ‘3 ca 4 kíp’ bảo đảm hoàn thành 2 Dự án Cao tốc đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các nhà thầu triển khai thi công các Dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 theo đúng kế hoạch đề ra,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm yêu cầu.

vnp_thi cong cao toc 05022024.jpg
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng tiến độ chi tiết các khối lượng của từng gói thầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án rà soát tiến độ chi tiết do nhà thầu lập; tăng cường cán bộ có kinh nghiệm quản lý, theo dõi hợp đồng, kịp thời có văn bản đôn đốc, nhắc nhở, phê bình và xử lý nhà thầu vi phạm tiến độ theo quy định; phải cử cán bộ làm việc với nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án thống nhất các biện pháp đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng đã thi công cho các nhà thầu đáp ứng tiến độ và tuân thủ quy định, không để tình trạng nhà thầu gặp khó khăn, vướng mắc về tài chính để thi công các hạng mục tiếp theo.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công làm tiền đề để hoàn thành các dự án đúng tiến độ…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục