Khởi công vào tháng 9/2020, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ có vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng, theo hợp đồng dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, đến nay công trình chỉ mới đạt 57% khối lượng, có nguy cơ không kịp hoàn thành theo hợp đồng.
Theo Liên danh Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty Cổ phần Cầu 14 - nhà thầu thi công cầu Trần Hoàng Na, nguyên nhân chậm trễ, không thể hoàn thành gói thầu cầu Trần Hoàng Na vào ngày 30/6/2022 có cả yếu tố khách quan và chủ quan.
Liên danh nhà thầu cho biết, tiến độ dự án theo hồ sơ dự thầu là 34 tháng. Tuy nhiên, do hiệp định vay vốn ODA kết thúc vào 30/6/2022 nên chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ đã "ép" tiến độ dự án xuống còn 22 tháng, tính từ thời điểm khởi công.
Nhà thầu cho rằng, việc chủ đầu tư ép rút ngắn tiến độ thi công dự án từ 34 tháng xuống còn 22 tháng là nằm ngoài tính toán khi dự thầu về tổ chức thi công, trình tự thi công, thời gian dừng chờ kỹ thuật... Điều này vô cùng khó khăn cho nhà thầu.
Ngoài ra, tiến độ dự án bị chậm trễ là do bị ảnh hưởng bới dịch COVID-19, công tác bàn giao mặt bằng trụ T4 chậm trễ và mất nhiều thời gian cho việc đệ trình bổ sung thầu phụ thực hiện 40% khối lượng dầm vòm thép.
[Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho 3 dự án cao tốc trọng điểm]
Đặc biệt, hiện giá sắt thép và một số vật liệu thi công công trình này đã tăng thêm 67 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Nhà thầu đã có báo cáo đề xuất với chủ đầu tư về việc này, nhưng chưa có phản hồi.
Đây là nguyên nhân chính khiến công trình chậm tiến độ và nhiều khả năng sẽ không thể hoàn thành vào tháng 6/2022 theo kế hoạch.
Hiện dự án cầu Trần Hoàng Na chỉ mới đạt tiến độ 57%, phần nhịp chính đang được gia công tại xưởng chỉ mới đạt 60%. Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ đã có nhiều văn bản nhắc nhở nhà thầu.
Ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ cho biết, hợp đồng thi công dự án là 22 tháng chứ không phải 34 tháng như bên nhà thầu nói. Việc chủ đầu tư không chấp thuận kiến nghị của nhà thầu là do hợp đồng có cho phép điều chỉnh giá vật liệu lên xuống theo thị trường.
Theo ông Tâm, qua các lần nhắc nhở, nhà thầu cam kết cuối năm 2022 sẽ hoàn thành dự án. Từ nay cho đến lúc đó, Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ sẽ kiểm tra tiến độ, cam kết của nhà thầu về thực hiện 40% còn lại. Nếu nhà thầu không đảm bảo về mặt tiến độ như cam kết, Ban sẽ xem xét cắt, chuyển khối lượng này cho đơn vị khác. Nếu như không đảm bảo nữa, sẽ xem xét cắt hợp đồng...
Cầu Trần Hoàng Na thuộc Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) sử dụng vốn ODA, cầu có tổng chiều dài 586,9m với tổng vốn đầu tư 791,4 tỷ đồng.
Cây cầu là công trình giao thông cấp 1, quy mô 4 làn xe, rộng 23m, vận tốc thiết kế 60km/h, tĩnh không thông thuyền 50x7m, thiết kế dạng cầu vòm gồm ba nhịp kết cấu thép.
Đây là công trình trọng điểm của thành phố Cần Thơ, bắc qua sông Cần Thơ, nối trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều) với các khu đô thị phía Nam và tuyến Quốc lộ 1A (quận Cái Răng).
Đến nay, thành phố Cần Thơ đã có 3 cây cầu bắc qua sông Cần Thơ nối hai quận Ninh Kiều và Cái Răng, thông ra Quốc lộ 1A gồm: cầu Quang Trung, cầu Hưng Lợi và cầu Cái Răng. Trong đó, nút giao IC3 kết nối với 2 cây cầu Quang Trung và Hưng Lợi thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm.
Do đó, khi cầu Trần Hoàng Na hoàn thành sẽ góp phần giải quyết tốt nhiệm vụ kết nối giao thông đô thị giữa Quốc lộ 1A và các tuyến đường trung tâm của thành phố Cần Thơ, giảm tải lưu lượng xe đi qua các tuyến đường chính của thành phố, góp phần giảm ách tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Đồng thời, góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị thành phố Cần Thơ, mở ra cơ hội cho ngành du lịch, thương mại, dịch vụ tăng tốc, bứt phá trong tương lai./.