Cầu Chương Dương bị xuống cấp phần kết cấu nhịp dàn và dầm thép

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị thành phố triển khai lập dự án sửa chữa cầu Chương Dương sau khi có kết quả kiểm định cầu về phần kết cấu nhịp dàn thép và dầm thép có hiện tượng xuống cấp.
Cầu Chương Dương bị xuống cấp phần kết cấu nhịp dàn và dầm thép ảnh 1Phương tiện lưu thông qua cầu Chương Dương. (Ảnh: Vietnam+)

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa cho biết qua kiểm tra đã phát hiện phần kết cấu nhịp dàn thép và dầm thép cầu Chương Dương có hiện tượng xuống cấp. Các thanh dầm chủ, bu lông, đinh tán bị han gỉ, làm giảm tiết diện của kết cấu chịu lực.

Ngoài ra, bản bê tông mặt cầu và lớp thảm bị bong vỡ, thường xuyên phải trám vá để đảm bảo an toàn giao thông trên cầu; bê tông gờ lan can bị nứt vỡ, bong tróc lộ cốt thép, tai vịn bị cong vênh gây mất mỹ quan đô thị...

Để đảm bảo việc sửa chữa cầu Chương Dương được đồng bộ, ổn định lâu dài đồng thời tránh chồng chéo, trùng lặp dự án gây lãng phí đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép dừng triển khai thực hiện dự án lắp đặt tấm chống ồn tại phạm vi hai đầu cầu Chương Dương.

Thành phố cho phép Sở Giao thông Vận tải triển khai lập dự án sửa chữa cầu Chương Dương sau khi có kết quả kiểm định cầu và kiến nghị các nội dung cần sửa chữa của đơn vị tư vấn (bao gồm cả nội dung lắp đặt tấm chống ồn phạm vi hai đầu cầu Chương Dương).

[Cầu Chương Dương đang bị hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng]

Được biết, đến nay, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án lắp đặt tấm chống ồn tại phạm vi hai đầu cầu Chương Dương; trong đó có việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, phê duyệt báo cáo kinh tế-kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, phía Sở Giao thông Vận tải thừa nhận dự án chưa thể triển khai thi công ngoài hiện trường và đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp.

Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiến nghị lắp đặt tấm chống ồn ở hai đầu cầu Chương Dương, với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được lấy từ Quỹ Bảo trì đường bộ của thành phố Hà Nội. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2019-2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục