Câu chuyện ở bản người Mông di cư Huổi Khon

Vượt qua những đèo dốc cheo leo, hiểm trở, chúng tôi vào đến Huổi Khon, bản người Mông của vùng Tây bắc êm đềm và cũng hùng vĩ.
Huổi Khon là một bản của người Mông di cư đến từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La và một số nơi khác, thuộc xã Nậm Kè, cách trung tâm huyện Mường Nhé 30km về phía tây nam. Từ đường trục Điện Biên-Mường Nhé rẽ vào bản là một con đường đất rộng ôtô đi lại dễ dàng nếu trời không có mưa.

Vượt qua những đèo dốc cheo leo, có thể nói là khá hiểm trở, chúng tôi vào đến Huổi Khon. Như những bản người Mông của vùng Tây bắc, Huổi Khon khá êm đềm đồng thời cũng rất hùng vĩ, bởi bản nằm trên núi cao, lại trong vùng rừng bảo tồn của huyện Mường Nhé.

Những căn nhà lợp ngói, lợp tôn xuất hiện dưới lòng thung thật khác với hình dung của chúng tôi về một bản người Mông ở vùng sâu, vùng xa.

Trưởng bản Sùng A Kỷ nói: “Những căn nhà kiên cố này là tiền của nhà nước cho dân một nửa và cho vay một nửa. Cả bản, nhà nào cũng có cái mái nhà lợp tôn rồi, không còn cái nhà mái lá cứ có mưa là dột, có gió là tốc lên. Có cái nhà kiên cố dân đỡ khổ rồi.”

Nhưng chúng tôi lại nghe người Mông bản Huổi Khon vừa tập trung đông người? Tôi hỏi. - Cái này thì có rồi nhưng không phải dân bản Huổi Khon đâu, cả bản có 97 hộ nhưng chỉ có 4 hộ đi theo thôi, còn dân các nơi tụ tập về, ở đây này…

“Ở đây này” là điểm cao 628 cách bản Huổi Khon 1 km về hướng tây trên trục đường từ xã Quảng Lâm đi về bản. Nơi chúng tôi đang đứng với vài ba quả đồi trọc, hay nói đúng hơn là những ngọn núi không còn cây.

Tại đây trong mấy ngày đầu tháng 5 nhiều người dân, cả người già, trẻ em và thanh niên ở các xã lân cận trong huyện như Na Cô Sa, Nà Bùng, Pa Tần, Quảng Lâm, Nà Khoa, Mường Toong kéo về tụ tập. Trong số những người kéo về Huổi Khon, có lúc lên đến cả ngàn người, có nhiều người ở các huyện khác, tỉnh khác, dùng cả xe máy đổ về đây, làm lán trại trên đồi.

Nghe chuyện dân tập trung đông người, những kẻ thiếu thiện chí và không khách quan lập tức phao tin rằng, ở đó có thể xảy ra “bạo động” hoặc ít nhất thì cũng là “khiếu kiện tập thể” để đòi lại “công bằng”. Nhưng hóa ra, đa số người Mông kéo về bản Huổi Khon lại là vì bị lôi kéo bởi những luận điệu lừa mị của kẻ xấu.

- Anh đến Huổi Khon làm gì? Tôi hỏi Giàng Xuân Thinh, sinh năm 1988 ở cách Huổi Khon 30km.

- Mình nghe người ta nói đến đây sẽ được cho đất, cho vàng.

- Ai cho?

- Cái này mình không biết đâu, chỉ nghe nói thế thôi mà.

- Nhà anh có nhiều trâu bò không?

- À mình có 11 con trâu, 11 con bò.

- Một năm làm được nhiều thóc không?

- Mình cũng có 100 bao thôi (1 bao là 50 kg- PV).

- Anh có mua xe máy không?

- Có, cái xe máy 23 triệu kia kìa, còn cái tivi có 2 triệu thôi.

- Vậy là anh có nhiều trâu, nhiều ruộng, giàu rồi, sao còn đi xin đất, xin vàng nữa?

- Ồ không có vàng, không có đất đâu, mình sai rồi, sau này không đi nữa.

Số người kéo về Huổi Khon mỗi người nghe theo một “cái lý” khác nhau. Muốn hiểu rõ nguyên nhân đích thực của vụ tập trung đông người tại Huổi Khon, tôi đặt vấn đề với ông Giàng A Ly, người dân tộc Mông hiện là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Nậm Kè, rằng, chẳng lẽ chỉ là lời hứa cho đất, cho vàng mà dân tin ngay hay sao?

Ngoài một số dân của một số xã, bản của huyện Mường Nhé còn dân từ Lai Châu, Lào Cai, thậm chí còn một vài người từ Đắc Nông, Đắc Lắc. Họ đến đây làm lán rồi chốt chặn không cho cán bộ và cả dân địa phương vào để họ thành lập cái gọi là “vương quốc Mông.”

Ông Giàng A Ly nói. Nhưng bản Huối Khon này cũng là một bản của người Mông mà vì sao chỉ có 4 hộ đến đây tụ tập, còn những hộ khác không đến và có đến cũng không cho vào? - Thì đây này, ông Giàng A Ly chỉ vào một gia đình người Mông sống trên đỉnh đồi nơi là “trung tâm” của vụ tụ tập mà rằng, dân các nơi luồn rừng lội suối về đây tụ tập mà gia đình này nó phản đối, có theo đâu!

Một người Mông “lọt”được vào cái “vương quốc lán trại” ấy đã nói với chúng tôi rằng, không thể hiểu được hàng ngàn con người, hàng trăm lán trại dựng lên tạm bợ để họ hy vọng, trông chờ cái gì. Nhưng cái mà tôi nhìn thấy là mỗi người vào khu vực này đều phải đóng góp tiền của, đổi lại mỗi ngày được phát hai bát gạo tự nấu nướng lấy ăn; cuộc sống tạm bợ đã khiến nhiều người ngã bệnh.

- Vậy thì “động lực” nào đã thúc đẩy họ? - Không phải tất cả người Mông theo đạo đều đến đây, nhưng tất cả những người đến đây đều theo đạo. Những kẻ lợi dụng tôn giáo đã tuyên truyền về ngày tận thế, về xuất hiện “đấng cứu thế”; thậm chí chúng còn tung tin đồn sắp có chiến tranh! Những luận điệu đó đã làm cho người thì tin mà theo, người thì sợ mà theo. Rõ ràng những kẻ xấu đã không từ bỏ một thủ đoạn truyên truyền nào để dụ dỗ những người nông dân thật thà, chân chất đi theo những mục tiêu phá hoại của chúng.

Nhưng ngay tại bản Huổi Khon, dưới lòng thung của “vương quốc lán trại” kia, có nhiều người Mông theo đạo nhưng không tin những luận điệu đó. Ví dụ như ông Giàng A Hù, 48 tuổi.

- Ông theo đạo lâu chưa?

- 6 năm nay thôi.

- Vì sao ông theo đạo?

- Tôi di cư từ Sapa đến đây không có nhiều người thân nên theo đạo phòng khi sau này đau ốm có người giúp đỡ, khi chết còn có người đến. Nhưng mà…

- Sao?

- Tôi theo đạo nhưng không từ bỏ phong tục người Mông, tôi vẫn uống rượu và ăn tiết canh đấy.

- Ông ở ngay chỗ người dân ở xa kéo về đông, vậy có ai đến bảo ông lên đồi làm lán trại để tụ tập không?

- Có đấy nhưng mình không theo đâu.

- Vì sao?

- Vì mình thấy người ta đến đây chặn các ngả đường không cho dân bản đi lại thì mình thấy họ sai rồi. Mình không theo cái sai.

Hàng ngàn người tin theo cái sai đã kéo về đây để rồi chính họ nhận ra cái sai. Vì thế một khi chính quyền địa phương cử cán bộ đến tuyên truyền, giải thích những luận điệu sai trái của kẻ xấu thì người dân đã tự giải tán.

Những người ở gần thì tự đi về nhà sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ 200 ngàn đồng cùng các nhu yếu phẩm, còn những người ở xa ngoài huyện, ngoài tỉnh thì được chính quyền địa phương cấp cho 300 ngàn đồng và nhu yếu phẩm, cho xe đưa về tận nhà. Sau vài ngày, toàn bộ đồng bào đã về đến nhà và quay lại với mùa nương rẫy.

Huổi Khon đã trở lại bình yên. Trên ngọn đồi trọc còn trơ ra một vài lán trại, chứng tích của một sự cả tin mà đằng sau đó là những âm mưu đen tối của những kẻ mong muốn gây mất ổn định an ninh chính trị và an toàn xã hội trên vùng biên cương cực tây của Tổ quốc./.

Quang Vinh-Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục