Đại dịch COVID-19 hoành hành đã nêu bật tầm quan trọng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng như triển vọng phát triển của lĩnh vực này, các thiết bị, công nghệ chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số đã trở thành điểm nhấn tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng (CES) 2021 - sự kiện lớn của ngành công nghệ thế giới bắt đầu diễn ra trong ngày 11/1 theo hình thức trực tuyến.
Đến với CES 2021, người tiêu dùng sẽ được giới thiệu công nghệ thăm khám từ xa, cảm biến sinh học và một loạt các tiện ích có thể giúp bệnh nhân không cần tới phòng khám và mất thời gian tại phòng chờ của các bác sỹ hoặc bệnh viện.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Frost & Sullivan, nhu cầu đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa được dự báo sẽ tăng tới 64% chỉ riêng tại Mỹ. Điều này phản ánh nhu cầu về các nền tảng trao đổi liên lạc chất lượng cao, các thiết bị theo dõi tại nhà ở,... tăng đột biến trong thời gian tới.
Hiểu được nỗi lo ngại nguy cơ lây nhiễm chéo tại phòng chờ ở các cơ sở y tế khám chữa bệnh và nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng tìm kiếm cách thức khám bệnh thay thế, nhiều công ty chú trọng đầu tư nghiên cứu các thiết bị phục vụ chăm sóc y tế từ xa. Trong năm nay, công ty MedWand do bác sỹ gia đình Samir Qamar thành lập chuẩn bị cho ra mắt thiết bị sở hữu 10 công cụ chẩn đoán phục vụ chăm sóc sức khỏe từ xa.
Phát biểu tại một hội thảo trong khuôn khổ CES 2021, ông Qamar nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những lỗ hổng trong dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, trong đó có vấn đề là một bộ phận dân cư không được tiếp cận Internet. Ông cho biết hiện có nhiều công ty đã phát triển các công cụ từ xa có thể được sử dụng tại nhà riêng như ống nghe, ống soi tai, máy đo huyết áp và nhịp tim. Tuy nhiên, các thiết bị này cần chứng minh tính chính xác để được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành.
Trong khi đó, bà Bettina Experton - Giám đốc điều hành nền tảng chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số Humetrix, có thâm niên tham dự các kỳ CES, cho rằng một yếu tố quan trọng khác đối với chăm sóc sức khỏe từ xa là việc theo dõi dữ liệu sức khỏe và sử dụng các công cụ phân tích để đánh giá chính xác hơn những rủi ro với các căn bệnh, nhất là COVID-19. Nền tảng này được sử dụng cho cả cá nhân hoặc nhân viên bảo hiểm với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp đánh giá rủi ro đối với những người bị ảnh hưởng virus SARS-CoV-2.
[CES 2021 hứa hẹn mang đến những trải nghiệm vô cùng độc đáo]
Với xu thế ngày càng nhiều người lựa chọn hình thức khám chữa bệnh từ xa, đôi khi bác sỹ có thể không có mối liên hệ trực tiếp với bệnh nhân. Do đó, nắm rõ hồ sơ y tế của bệnh nhân là điều rất quan trọng. Bà Experton cho biết hiện có nhiều ứng dụng điện thoại khác nhau lưu hồ sơ bệnh án mà các bệnh nhân có thể dễ dàng chia sẻ với các bác sỹ chỉ bằng một cú click chuột.
Công ty nghiên cứu Axixon có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) cho ra mắt một hệ thống có khả năng cảnh báo sớm các nguy cơ bệnh tật, trong đó có bệnh ung thư, bệnh Alzheimer, sử dụng AI để "lập bản đồ" dự báo tình hình sức khỏe của con người.
Tại CES 2021, các công ty công nghệ cũng giới thiệu các thiết bị giám sát các sinh hoạt hằng ngày của người cao tuổi sống một mình để có thể phát hiện sớm những thay đổi về sức khỏe. Các thiết bị đó cũng bao gồm thiết bị đeo không dây có thể hỗ trợ phát hiện sớm bệnh tật cũng như các công cụ chẩn đoán khác.
Ngoài ra, triển lãm công nghệ lần này cũng ra mắt nhiều tiện ích chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc, từ nhiệt kế thông minh cho đến máy lọc không khí và robot khử trùng.
Nhiều năm qua, CES đã tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng phục vụ hoạt động thể thao và trên thực tế các thiết bị này đang "lấn sân" sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khi công nghệ ngày càng tiến bộ.
Theo chuyên gia Robin Murdoch của công ty tư vấn Accenture, với chiếc đồng hồ thông minh, người đeo có thể nắm được đầy đủ các thông số về sức khỏe của mình như lượng oxy trong máu, nhịp tim, chỉ số huyết áp và nhiều thông số y tế cơ bản khác./.