Chặn đà “tuột dốc” trong chăn nuôi gia cầm

Mặc dù sản phẩm thịt gia cầm năm qua vẫn tăng gần 10%, nhưng chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, chứ chưa nói đến vươn ra nước ngoài.

Mặc dù sản phẩm thịt gia cầm năm qua vẫn tăng gần 10%, nhưng chưa thể đáp ứng đủ cho thị trường trong nước, chứ chưa nói đến vươn ra nước ngoài. 

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước vẫn phải nhập khẩu tới 110.000 tấn gà đông lạnh để phục vụ cho các nhu cầu tiêu dùng.

 Đà giảm sút

Cũng theo Cục Chăn nuôi, với tốc độ tăng trưởng dân số 1,25%/năm như hiện nay, dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt trong thời gian tới sẽ tăng ít nhất 5-6%/năm.

Theo kế hoạch chiến lược đến năm 2010, ngành công nghiệp chế biến sẽ đáp ứng 60% nhu cầu thịt gia cầm trong nước với đàn 345 triệu con, cung ứng 563.000 tấn thịt mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho hay: “Trong tình hình như hiện nay, khó đạt được mục tiêu trên”.

Ông Sơn cho rằng, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm dần.

Một thực trạng lâu nay của ngành chăn nuôi trong nước là vẫn giữ lối sản xuất nhỏ, tập quán nuôi gà thời vụ, vịt chạy đồng khiến guy cơ phát tán dịch bệnh cao. Ít hộ chăn nuôi theo quy mô công nghiệp 1.000 – 10.000 con  đã làm ảnh hưởng đến sản phẩm trứng, thịt. Tỷ lệ các dòng sản phẩm thịt gà đặc sản chỉ đạt 20%, thịt vịt ngan cũng chỉ đạt 40%.

Trong khi hàng năm dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra, tuy quy mô và phạm vi nhỏ hơn, nhưng từ năm 2003 – 2008 - giai đoạn xảy ra dịch cúm gia cầm, tăng trưởng chăn nuôi toàn ngành đã chậm lại, bình quân mỗi năm chỉ tăng 4 - 5%, (trước 2003 tăng trưởng toàn ngành là 8-10%)

Cũng chính vì dịch bệnh mà người chăn nuôi hiện vẫn còn e ngại do thua lỗ quá nặng trong thời gian trước, chưa dám đầu tư mạnh để tiếp tục phát triển đàn gia cầm.

Hơn nữa, theo cam kết thuế quan khi gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm gia cầm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm phụ như chân, cánh, đùi gà từ nước ngoài tràn vào thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu thịt sớm hơn lộ trình và mức thuế theo cam kết WTO, thực phẩm ngoại nhập giá rẻ tràn vào Việt Nam sẽ có tác động trực tiếp lên ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Giá thịt trong nước xuống thấp, giá thức ăn gia súc tăng cao, khiến người chăn nuôi lao đao. Thực tế, đã có nhiều hộ nông dân không còn khả năng tài chính để tiếp tục đầu tư chăn nuôi.

Chuyển dịch cơ cấu: Cứu cánh

Theo Cục chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi, nhất là đối với gia cầm là mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và nông thôn đề ra. Toàn ngành chăn nuôi gia cầm sẽ chuyển dịch phương thức chăn nuôi (quy mô nhỏ - trang trại – công nghiệp), cơ cấu sản phẩm và phương thức tổ chức sản xuất.

Dự kiến, trong năm 2009, toàn ngành sẽ tập trung phát triển khoảng 30% các loại gia cầm đặc sản như gà Tre, gà Ri, tăng sản lượng thịt gà lông màu lên khoảng 45%, hạn chế thịt gà công nghiệp lông trắng ở mức 25%.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, để cạnh tranh được ngay trên sân nhà, ngành chăn nuôi gia cầm cần phát triển theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm.


Các địa phương cần tận dụng chính sách hỗ trợ của nhà nước để hướng dẫn nông dân liên kết 4 nhà, phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy mô công nghiệp, tạo điều kiện về quỹ đất, ngân sách cụ thể khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ tập trung…

Với lượng sản phẩm chăn nuôi đa dạng như vậy, theo ông Sơn, mới có thể đủ để cung ứng cho thị trường trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm gia cầm nhập khẩu.

Hải Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục