Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011.
Còn thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn “già hóa” sang “cơ cấu dân số già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn, từ 17-20 năm. Trong khi đó Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan 22 năm.
Chúng ta phải chấp nhận thực tế này, chủ động đối mặt với thách thức và đề ra các chính sách và chiến lược phù hợp.
Già hóa dân số và dân số già có hai nguyên nhân cơ bản là tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao. Như tiến sỹ Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, đã khẳng định tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay nền kinh tế và già hóa dân số là một tiến trình tất yếu. Vào năm 1960 tuổi thọ trung bình của con người trên thế giới là 47 tuổi và đến năm 2010 là 68 tuổi. Tiến trình này ở Việt Nam là từ 40 lên 73 tuổi (tính tròn số).
[Chuyển trọng tâm kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển]
Trước hết, chúng ta cần hiểu đúng thế nào là dân số vàng, thế nào là già hóa dân số và dân số già.
Cơ cấu dân số vàng là cứ hai người trong độ tuổi lao động thì có một người trong độ tuổi phụ thuộc. Tại Việt Nam độ tuổi lao động là từ 15-59 tuổi, độ tuổi phụ thuộc trẻ là dưới 15 tuổi, độ tuổi phụ thuộc già là từ trên 60 tuổi.
“Già hóa dân số” hay còn gọi giai đoạn “dân số đang già” là khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số, hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm từ 10% tổng dân số.
Giai đoạn “dân số già” là khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số. “Dân số siêu già” là khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số.
Ở Việt Nam từ năm 2007 số người trong độ tuổi lao động nhiều gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc, đó là giai đoạn dân số vàng. Giai đoạn dân số vàng này kéo dài khoảng 30 năm.
Còn từ ngày 1/4/2010, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam đã chiếm 9,4%. Một năm sau, tức ngày 1/4/2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã chiếm 10,1%, người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7,2%. Như vậy, chúng ta đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo trước đây.
Tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam năm 2017 là 11,9 %, tức cứ chín người thì có một người từ 60 tuổi trở lên. Dự báo, tỷ lệ này sẽ lên mức 20% vào năm 2038.
Cũng từ năm 2038 ở Việt Nam số người trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đặt ra cho Việt Nam những thách thức to lớn, đặc biệt là khi thời gian chuyển từ "cơ cấu dân số trẻ" sang giai đoạn "già hóa dân số” rất ngắn. Thêm nữa, cơ cấu dân số già đến sớm, khi nền kinh tế của đất nước mới đang trong thời kỳ thoát nghèo và việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi gặp khó khăn. Nói cách khác, chúng ta chưa kịp giàu thì đã già.
Theo số liệu điều tra của Viện nghiên cứu người cao tuổi Việt Nam, vào cuối năm 2009 vẫn còn 1/3 số người cao tuổi thuộc diện nghèo và cận nghèo. Số hộ người cao tuổi nghèo tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi như Lai Châu, Kon Tum, Cao Bằng... 70% người cao tuổi chưa có tích lũy về vật chất và chỉ có 20% người cao tuổi tiếp cận hệ thống hưu trí.
Tại các nước phát triển, bản thân người cao tuổi đã có ý thức và có điều kiện tích lũy từ trẻ. Ở Nhật Bản có quỹ bảo hiểm cho tuổi già - những người chạm mốc 40 tuổi nộp một khoản tiền vào quỹ để đến 60 tuổi thì họ được nhà nước hoặc gia đình nuôi. Trong khi đó ở Việt Nam, nhất là ở nông thôn, người cao tuổi hiện nay chủ yếu đều bước qua khỏi thời kỳ chiến tranh, bao cấp, nên sự tích lũy mới chỉ có ở một bộ phận nhỏ người dân.
Già hóa dân số là vấn đề toàn cầu và người cao tuổi ở độ tuổi nào, giai cấp nào, dân tộc nào cũng cần được đáp ứng năm nhu cầu cơ bản thể hiện qua năm mặt hoạt động: tình nghĩa, chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiểu biết, mẫu mực và vui chơi giải trí. Theo đó, việc chăm sóc người cao tuổi phải đáp ứng được chín điều cơ bản: ăn, mặc, ở, đi lại, sức khỏe (đời sống vật chất), học tập, văn hóa, thông tin, giao tiếp (đời sống tinh thần).
Từ năm 2006-2010 Việt Nam có Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi. Chúng ta cần đề ra Chiến lược quốc gia hoặc Chương trình mục tiêu quốc gia về người cao tuổi để có thêm nhiều đề án, dự án cho người cao tuổi ở Việt Nam.
Nếu già hóa dân số và cơ cấu dân số già là điều không tránh khỏi thì chúng ta chỉ có cách chấp nhận, chủ động đương đầu với thách thức. Theo tiến sỹ Dương Quốc Trọng, “già hóa dân số chủ động” là khi chúng ta chủ động bước vào giai đoạn già hóa dân số, nhìn thấy trước mọi vấn đề, biết được thời cơ, thách thức, khó khăn để tận dụng và vượt qua. Chủ động bằng cách thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc người già rộng khắp từ thành thị tới nông thôn.
Người dân đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già. Những trường hợp không có con cái hoặc con cái không có điều kiện chăm sóc, hệ thống dịch vụ xã hội sẽ lãnh trách nhiệm chăm sóc khi họ về già.
“Già hoá chủ động” bao gồm các yêu cầu: dịch vụ y tế xã hội, kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường vật chất. Nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này thì khi tỷ lệ người cao tuổi tăng cao chúng ta vẫn đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp, tránh “cú sốc” với người cao tuổi. Những người trẻ cần chủ động chuẩn bị cho giai đoạn “già” của mình bằng cách tích cực lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già. Người cao tuổi thì chủ động phát huy những khả năng, vai trò của mình trong gia đình, xã hội./.