Châu Âu có thể đối mặt với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn

Giá khí đốt đã giảm xuống, nhưng điều này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các quốc gia cạnh tranh để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tìm nguồn cung khác thay thế Nga.
Châu Âu có thể đối mặt với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn ảnh 1Một nhà máy điện hạt nhân ở Essenbach, gần Landshut, miền Nam Đức, ngày 4/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cảnh báo châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm tới sau khi rút cạn kho dự trữ khí đốt để vượt qua cái lạnh của mùa Đông năm nay.

Các nước châu Âu đã kịp lấp đầy 90% các kho dự trữ khí đốt sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Giá khí đốt đã giảm xuống, nhưng điều này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các quốc gia cạnh tranh để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tìm nguồn cung khác thay thế Nga.

Để làm dịu nỗi đau, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp giá trần giá khí đốt, một vấn đề đã gây chia rẽ tại khối này, khi một số quốc gia lo ngại việc đảm bảo nguồn cung sẽ gặp khó khăn hơn.

[EC đề xuất cách thức giới hạn giá khí đốt nhằm kìm giá năng lượng]

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định với các kho dự trữ khí đốt đầy gần 90%, châu Âu sẽ sống sót qua mùa Đông với điều kiện là không có những vấn đề đột xuất về chính trị hoặc kỹ thuật.

Với việc phụ thuộc vào Nga để cung ứng khoảng 40% khí đốt, EU sẽ đối mặt với những thách thức thực sự vào tháng Hai hoặc tháng Ba khi kho dự trữ cần được bổ sung sau khi nhu cầu tăng cao trong mùa Đông.

Ông Birol cho biết mùa Đông năm nay thật khó khăn nhưng mùa Đông năm sau có thể còn khó khăn hơn.

Trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý vừa được công bố ngày 3/10, IEA cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% trong năm nay do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu cũng như nhu cầu không đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, nguồn cung khí đốt từ các đường ống dẫn dầu của Nga sang châu Âu đã giảm trong năm nay và giờ chỉ còn lại rất khiêm tốn sau khi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga đến Đức ngừng hoạt động vào đầu tháng Chín và rò rỉ trên hệ thống vào tuần trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục