Chen nhau về Hà Nội, nhà xe tranh thủ “chặt chém”

Do lượng người đổ xô về Hà Nội sau dịp nghỉ lễ 2/9, nhiều hành khách chen lấn ngồi trên xe và bị nhà xe tha hồ chặt chém giá vé.

Trong khu vực các bến xe, người dân ngoại tỉnh chen chân xếp hàng dài tại điểm chờ xe buýt. Mỗi lần xe về bến đón khách, dòng người xô đẩy nhau nhanh chân để leo lên xe. Chưa đầy 5 phút, hàng loạt xe buýt có lộ trình đi qua các trường Đại học ken cứng người.

Thời tiết mát mẻ trong ngày cuối cùng của đợt nghỉ lễ 2/9 không khiến nhiều hành khách về Hà Nội bớt mệt mỏi vì phải chịu cảnh chen lấn hay “chặt chém” mạnh tay hơn hẳn ngày thường.

Rời xe khách tuyến Thanh Hóa-Hà Nội, vợ chồng anh Nguyễn Anh Minh thở phào vì thoát cảnh gồng mình suốt chặng đường gần 200 cây số. Anh Minh kể, chỉ hơn chục km từ Thanh Hóa, mặc cho xe đã kín người, cánh tài xế, phụ xe vẫn cố câu kéo bằng được khách dọc đường. “Chỉ một loáng, hàng ghế đôi trên xe đã phải lèn tới 3 người, thậm chí, cậu thanh niên phụ xe còn hăm hở lôi ra một đống ghế nhựa,” người đàn ông quê Thanh Hóa kể lại. Theo lời anh Minh, nhiều hành khách trên xe đã bị hành tới mức phải cùng nhau to tiếng thì mới khiến nhà xe ngập ngừng bỏ ý định nhồi thêm. Thế nhưng, điều làm anh bực mình không chỉ có vậy. “Tới lúc thu tiền, hai vợ chồng tôi phải trả tới 300.000 đồng cho hai vé trong khi ngày thường cao lắm chỉ 100.000 đồng mỗi vé. Lên xe rồi thì mặc cả làm sao với họ, chả lẽ lại xuống,” anh Minh bức xúc. Đây cũng là tình trạng được nhiều hành khác các tuyến xe khác như Nghệ An, Nam Định, Ninh Bình… phản ánh trong buổi chiều nay. Chị Nguyễn Thị Thúy, quê Ninh Bình là một trong nhiều hành khách bị nhà xe “chặt chém” gấp rưỡi ngày thường. Theo chị, từ thành phố Ninh Bình lên Hà Nội vé xe ngày thường chỉ 70.000 đồng thì trong ngày hôm nay, hầu như nhà xe nào cũng kiên quyết đòi tròn 100.000 đồng. “Đi xe khách bình thường mà tôi phải trả tiền cứ như xe giường nằm chất lượng cao vậy,” chị Thu bực bội. Lượng hành khách tăng đột biến ở nhiều tuyến xe cũng khiến các bến xe lớn ở Hà Nội “mệt nhoài” trong chiều 2/9. Bến xe Giáp Bát là một trong những điểm nóng nhất thành phố khi hành khách từ các tuyến đông khách như Thanh Hóa, Nam Định, Hưng Yên đều đổ về đây. Theo phản ánh của nhiều hành khách, bãi đỗ xe của bến từ thời điểm từ 15 giờ đã chật kín xe từ các tỉnh. Những tuyến xe nườm nượp đổ về đây khiến phần lớn xe trả khách đều phải nhanh chóng quay đầu nhường vị trí cho những tuyến khác. Phía cổng ra bến xe, hàng trăm hành khách cố chen chân lên hàng dài xe buýt trước cửa bến khiến cả đoạn vỉa hè dài hầu như không còn chỗ trống. Tình hình tương tự cũng được nhiều hành khách chứng kiến ở bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm. Phía cổng vào của bến xe Mỹ Đình, những chiếc xe khách kềnh càng thậm chí còn bị nghẽn lại bởi dòng xe ôm, taxi và cả người thân đứng đợi hành khách. Khu vực gửi xe máy trong bến nhanh chóng trở nên chật chội khiến nhiều người chẳng ngại đứng tràn ra vỉa hè phía đầu đường Phạm Hùng để đợi người nhà. Trong khu vực các bến xe, người dân ngoại tỉnh chen chân xếp hàng dài tại điểm chờ xe buýt. Mỗi lần xe về bến đón khách, dòng người xô đẩy nhau nhanh chân để leo lên xe. Chưa đầy 5 phút, hàng loạt xe buýt có lộ trình đi qua các trường Đại học ken cứng người. Thậm chí, sau khi xe rời bến, đến các điểm dừng đỗ, lái xe chỉ dám mở cửa xuống bởi trên xe không còn một chỗ trống. Dưới dây là hình ảnh ghi nhận của Vietnam+ về dòng người đổ xô về “kinh” sau kỳ nghỉ lễ 2/9.
Chen nhau về Hà Nội, nhà xe tranh thủ “chặt chém” ảnh 1
Xuống khỏi cửa xe, hành khách bị quây kín bởi đội quân xe ôm. (Ảnh: Hùng Dũng/Vietnam+)

Chen nhau về Hà Nội, nhà xe tranh thủ “chặt chém” ảnh 2

Chen lấn xô đẩy để nhanh chân lên xe buýt về nhà. (Ảnh: Hùng Dũng/Vietnam+)

Chen nhau về Hà Nội, nhà xe tranh thủ “chặt chém” ảnh 3
Xe lộn xộn dừng đón người thân làm ùn tắc cục bộ khu vực bến xe. (Ảnh: Hùng Dũng/Vietnam+)

Chen nhau về Hà Nội, nhà xe tranh thủ “chặt chém” ảnh 4

Cảnh sát giao thông có mặt tiến hành phân luồng phương tiện giảm ùn tắc. (Ảnh Hùng Dũng/Vietnam+)

Chen nhau về Hà Nội, nhà xe tranh thủ “chặt chém” ảnh 5

Trên trục đường, rất đông khánh ngóng cổ đợi xe buýt để về. (Ảnh: Hùng Dũng/Vietnam+)

Dũng Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục