Chỉ có 1.000 người được ghép mô và tạng ở VN

Tại Việt Nam, mới có khoảng 1.000 người bệnh được ghép mô và tạng, nghĩa là chỉ một phần rất nhỏ người bệnh có cơ hội được cứu sống.
Ngày 8/3, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh thận, Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức đã tổ chức lễ míttinh với chủ đề "Hiến tặng mô, tạng-hồi sinh sự sống" với sự tham gia của nhiều bệnh nhân và đại diện gia đình của người nhận tạng.

Ngày "Thế giới phòng chống bệnh thận" được Hội Thận học thế giới chọn tổ chức vào ngày thứ 5, tuần thứ 2, tháng 3 hàng năm.

Hiến, ghép tạng và mô là một thành tựu y học nhằm cứu sống những người bệnh mắc những bệnh hiểm nghèo bằng cách lấy mô và tạng của người hiến tặng để ghép cho người bệnh.

Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến tạng còn sống thì hầu hết các tạng và mô chỉ được lấy để ghép cho người bệnh sau khi người hiến tạng và mô đã chết.

Tại Việt Nam, mới có khoảng 1.000 người bệnh được ghép mô và tạng, nghĩa là chỉ một phần rất nhỏ người bệnh có cơ hội được cứu sống hoặc thay đổi cuộc sống.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt-Đức khẳng định công trình “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não” của bệnh viện là công trình đầu tiên ở Việt Nam.

Việc ghép tạng thành công lấy từ người cho chết não giúp bệnh nhân có cuộc sống với chất lượng cao hơn, cứu sống bệnh nhân và đem lại hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân đang chờ ghép tạng. Việc này có tác động rất tốt tới sự ổn định của xã hội.

Bên cạnh đó, người bệnh được ghép tạng trong nước với những tạng lấy từ người cho chết não sẽ được giảm chi phí rất lớn. Giá cho mỗi bệnh nhân ghép thận, ghép gan, ghép tim sẽ chỉ bằng 1/3 so với chi phí khi đi nước ngoài ghép tạng. Mỗi bệnh nhân sẽ giảm chi chí rất nhiều với cùng kết quả ghép tạng như nhau. Người dân được sự chăm sóc y tế chất lượng cao với giá điều trị rẻ hơn nhiều so với việc ghép ở nước ngoài.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, số người đợi ghép tạng rất lớn, trong khi đó người đăng ký cho tạng lại quá thiếu.

Để hoạt động ghép tạng từ người cho chết não đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Tiến Quyết đã đề xuất Bộ Y tế cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng cho công dân từ 18 tuổi trở lên tình nguyện hiến tạng cứu sống những người mắc bệnh hiểm nghèo; đồng thời kiến nghị Nhà nước tôn vinh những gia đình có người hiến tạng cả về tinh thần và hỗ trợ vật chất khi họ khó khăn, để khuyến khích được người dân đăng ý hiến tạng, đặc biệt là từ gia đình có người chết não.

Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức là nơi đầu tiên lấy tạng từ người cho chết não để ghép cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ngày 20/5/2010, ca ghép thận (ghép cho 2 bệnh nhân) lấy từ người cho chết não đầu tiên của Việt Nam đã được các bác sỹ của bệnh viện thực hiện thành công.

Tháng 6/2010, ca ghép đa tạng (ghép gan người lớn, ghép thận, ghép van tim) lấy từ người cho chết não cũng được thực hiện thành công do các bác sỹ Việt Nam thực hiện tại Bệnh viện Việt-Đức. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 12 ca ghép thận, 12 ca ghép tim và 3 ca ghép gan từ người cho chết não./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục