Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc củng cố yêu sách trên Biển Đông

Trung Quốc đang sử dụng kênh truyền hình, đối thoại ngoại giao, tờ báo ngôn luận và nhiều ấn phẩm khác của chính phủ, sách, quả địa cầu, trò chơi trực tuyến... cho mục đích tuyên truyền.
Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc củng cố yêu sách trên Biển Đông ảnh 1Phim hoạt hình chứa hình ảnh "đường lưỡi bò"của Trung Quốc.

Trung Quốc đã tăng cường mạnh mẽ các chiến dịch tuyên truyền nhằm củng cố yêu sách đường chín đoạn tại Biển Đông trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gây sức ép buộc Trung Quốc thực hiện phán quyết của Tòa PCA, đồng thời tỏ rõ thái độ phản đối chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc. VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Pradhan, đăng trên tờ Times of Hindu.

Trong khi thế giới đang đối phó với đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn không hề giảm bớt các hành động gây hấn tại Biển Đông.

Trung Quốc đang sử dụng kênh truyền hình, đối thoại ngoại giao, tờ báo ngôn luận mang tên Thời báo Hoàn cầu, khách du lịch và nhiều ấn phẩm khác của chính phủ, sách, quả địa cầu, trò chơi trực tuyến, quần áo, âm nhạc, phim ảnh, viện trợ y tế... cho mục đích tuyên truyền.

[Quốc tế phản ứng về việc cải tạo của Trung Quốc tại Biển Đông]

Có bốn lý do đằng sau việc tăng cường tuyên truyền của Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc nhận thấy rằng cộng đồng quốc tế đang tập trung vào đối phó với đại dịch và căng thẳng Trung-Ấn tại Đông Ladakh, cho nên việc tăng cường tuyên truyền sẽ không thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, cho phép Trung Quốc hướng sang những mục tiêu mới mà sẽ ủng hộ Trung Quốc như châu Phi, Arab, Mỹ Latinh.

Thứ hai, thông qua tuyên truyền liên tục, Trung Quốc hy vọng có thể thay đổi nhận thức của cộng đồng học thuật quốc tế theo hướng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Thứ ba, những vấn đề trong nước sẽ gây sức ép để lãnh đạo nước này quyết tâm thực hiện cái gọi là Giấc mộng Trung Hoa.

Thứ tư, Trung Quốc nhận thấy sử dụng viện trợ y tế là một cơ hội tuyệt vời để truyền bá và tuyên truyền những thông tin sai lệch.

Trung Quốc nhận thấy rằng tuyên bố chủ quyền về đường chín đoạn đang ở thế yếu, do đó cần tăng cường các chiến dịch tuyên truyền để thay đổi nhận thức về vấn đề.

Việc thiếu các bằng chứng lịch sử tin cậy đã thúc đẩy Trung Quốc đưa ra những lập luận có lợi cho mình, đặc biệt sau khi chiếm đóng nhiều đảo vào những năm 1970.

Năm 2009, Trung Quốc đã trình lên Liên hợp quốc tấm bản đồ Trung Quốc bao gồm đường chín đoạn. Các viện nghiên cứu và trung tâm giáo dục đã tập trung vào khía cạnh này để tuyên truyền.

Năm 2012, Trung Quốc đã thành lập một Tiểu ban chỉ đạo để hướng dẫn, điều phối và giám sát, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về bản đồ quốc gia; kiểm soát toàn bộ thị trường bản đồ quốc gia với sự phối hợp của 13 bộ, ngành.

Việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu sinh trắc học in hình bản đồ đường chín đoạn đã khiến các nước láng giềng phản ứng mạnh mẽ.

Ngày 1/1/2013, Trung Quốc đã phát hành một tấm bản đồ mới, lần đầu tiên thể hiện chi tiết hơn 130 đảo, đá ngầm, bãi cản ở Biển Đông thuộc đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Kể từ đó, tất cả tài liệu chính thức của Trung Quốc đều thể hiện đường lưỡi bò.

Chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc căn cứ trên lý thuyết “tam chiến” bao gồm ba yếu tố.

Thứ nhất là “chiến tranh tâm lý,” theo đó tìm cách tác động đến khả năng ra quyết định của mục tiêu, gây nghi ngờ, kích động tình cảm chống giới cầm quyền, làm mục tiêu sai định hướng và giảm ý chí chống lại Trung Quốc.

Thứ hai là “chiến tranh truyền thông” (hay còn gọi là chiến tranh dư luận), “một hoạt động liên tục, kéo dài nhằm mục đích tác động lâu dài đến nhận thức và thái độ.”

Chiến tranh truyền thông hướng tới duy trì tinh thần thân thiện, tạo ra sự ủng hộ của công chúng trong và ngoài nước, làm suy yếu ý chí chống lại Trung Quốc của kẻ thù.

Thứ ba là “chiến tranh pháp lý” (hay luật pháp) nhằm khai thác hệ thống luật pháp để đạt được những mục tiêu chính trị hoặc thương mại.

Loại chiến tranh này có nhiều cách thức thực hiện, bao gồm đưa ra luật để thông báo các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên, cho đến việc sử dụng các bản đồ không có thật để “biện minh” cho những tuyên bố chủ quyền tương ứng.

Chiến dịch tuyên truyền và quảng bá thông tin sai lệch của Trung Quốc có bốn khía cạnh.

Thứ nhất, Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng lên các mục tiêu được lựa chọn bao gồm tầng lớp thượng lưu, chính trị gia chủ chốt, sỹ quan quân sự và quan chức dân sự cấp cao, người định hướng dư luận nhằm thay đổi quan điểm của họ theo hướng ủng hộ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.

Trong một bài báo trên tờ Global Watch Analysis, Ronald Jacquard đã chỉ ra rằng Trung Quốc đang sử dụng các nhà lãnh đạo tham nhũng ở các nước nghèo để tăng cường sự ủng hộ.

Ngoài ra, Trung Quốc đang nhắm mục tiêu vào các cộng đồng chiến lược tại nước ngoài, thu hút họ thông qua các hoạt động gây ảnh hưởng nhằm tận dụng tiếng nói của họ cả công khai và trong những cuộc họp quan trọng.

Thông tin cá nhân của các mục tiêu chủ yếu được thu thập từ dữ liệu lớn (big data) và được phân tích để đưa ra chiến lược gây ảnh hưởng với sự trợ giúp của Trí tuệ Nhân tạo.

Dữ liệu lớn được thu thập thông qua các công ty Trung Quốc và qua sử dụng cả tin tặc quân sự và tin tặc phi nhà nước để đánh cắp.

Các chương trình đặc biệt nhằm thay đổi một cách hiệu quả nhận thức của mục tiêu được tạo ra. Sau đó, mục tiêu sẽ bị “dội bom” bằng các quan điểm ủng hộ Trung Quốc thông qua nhiều nền tảng mạng xã hội.

Twitter đã đình chỉ hơn 23.000 tài khoản có liên kết với Trung Quốc vì tuyên truyền về Hong Kong và COVID-19.

Vào tháng 8 năm ngoái, hơn 150.000 tài khoản liên kết của Trung Quốc được sử dụng để tuyên truyền về sự ủng hộ không có thật đối với những chính sách của Bắc Kinh.

Chủ đề chính của chiến dịch tuyên truyền là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là hợp pháp, bất chấp phán quyết của Tòa PCA và việc các nước khác phản đối tuyên bố của Trung Quốc theo lệnh của Mỹ cho thấy các nước này đã mất đi sự độc lập trong vấn đề quốc tế.

Những “chiến binh sói” của Trung Quốc cũng đang “phun nọc” chống lại những nước có quan điểm phản đối yêu sách của Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc đang sử dụng các tạp chí khoa học uy tín để củng cố các yêu sách của mình. Nguyen, một nghiên cứu viên Học viện Ngoại giao Việt Nam, đã phát hiện 260 bài báo sử dụng đường chín đoạn trong 20 tạp chí khoa học “nổi bật” của nhiều nhà xuất bản khác nhau bao gồm Springer’s Nature, Science Elsevier và Multidisciplinary Digital Publishing Institute.

Đáng chú ý, các bài báo đính kèm bản dồ đường chín đoạn có nội dung không liên quan đến chủ đề này.

Có ý kiến cho rằng những tạp chí có uy tín như trên đưa sai bản đồ Trung Quốc vì sơ suất là không hợp lý. Trung Quốc là nơi cung cấp nhiều bài báo khoa học và có thị trường lớn cho các ấn phẩm khoa học, cho nên rõ ràng Trung Quốc đã tận dụng sức mạnh kinh tế để buộc các tổ chức và tác giả đưa bản đồ đường chín đoạn vào bài báo.

Các độc giả có thể sẽ không nhận ra vấn đề và do đó dễ dàng chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc. Và do các tạp chí này thường xuyên được trích dẫn nên có thể gây ảnh hưởng đến một cộng đồng khoa học lớn trên thế giới.

Thứ ba, Trung Quốc đang tuyên truyền và quảng báo những thông tin sai lệch khi cung cấp viện trợ y tế cho các nước đang chiến đấu với đại dịch.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã hỗ trợ cho 130 quốc gia và tổ chức, đồng thời gửi thuốc men và thiết bị bao gồm bộ dụng cụ xét nghiệm, máy thở, chất khử trùng và khẩu trang bảo hộ.

Viện trợ của Trung Quốc trong đó có viện trợ nhân đạo chủ yếu nhằm mục đích chính trị và đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này nhằm tuyên truyền lập trường của mình.

Thứ tư, Trung Quốc đang dùng mọi cách để tuyên truyền thông qua “cuộc chiến bản đồ.”

Trung Quốc đã sử dụng khách du lịch làm công cụ tuyên truyền thông qua áo phông in hình bản đồ Trung Quốc; phát hành bài hát “One Sea” (một vùng biển) thông qua Đại sứ quán tại Manila nhằm ngầm khẳng định yêu sách trên Biển Đông.

Các kênh truyền hình và phim ảnh cũng được sử dụng để tuyên truyền. Đường chín đoạn xuất hiện trong “Abominable,” một bộ phim hoạt hình gia đình do Pearl Studio của Trung Quốc và DreamWorks Animation của Mỹ đồng sản xuất.

Việc sử dụng đường chín đoạn trong một bộ phim được phát hành trên toàn thế giớii là nhằm gửi đi thông điệp rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là hợp pháp và được chấp nhận rộng rãi.

Đáng chú ý, Trung Quốc hiện đang tập trung tuyên truyền tại châu Phi, Ả Rập và các nước thế giới thứ ba tại Mỹ Latinh, nơi người dân không hiểu rõ vấn đề và có thể dễ dàng chấp nhận nội dung tuyên truyền.

Mặc dù những nỗ lực của Trung Quốc không thể thay đổi quan điểm của các nước tranh chấp khác cũng như cách tiếp cận của các cường quốc ngoài khu vực, song có thể tạo ra ảo tưởng rằng yêu sách của Trung Quốc đang được chấp nhận rộng rãi, điều có thể khiến Trung Quốc trở nên hung hăng và ngông cuồng hơn.

Chủ nghĩa thực dụng đòi hỏi các nước yêu sách khác phải có những biện pháp mạnh mẽ để vô hiệu hóa tác động của câu chuyện sai lệch trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục