Chiến lược châu Phi mới của Trump: Có 'bình' nhưng chưa có 'rượu'

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nhấn mạnh những mục tiêu chính của chính sách “châu Phi thịnh vượng” mà trọng điểm là để đối phó với chính sách kinh tế của Trung Quốc tại khu vực này.
Chiến lược châu Phi mới của Trump: Có 'bình' nhưng chưa có 'rượu' ảnh 1Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton phát biểu tại Quỹ Di sản ở Washington, DC ngày 13/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin, phát biểu tại Quỹ Di sản hôm 13/12/2018, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã nhấn mạnh những mục tiêu chính của chính sách “châu Phi thịnh vượng” mà có thể sẽ được đề cập chi tiết sau này.

Theo Bolton, trọng điểm của chính sách này sẽ là để đối phó với "chính sách kinh tế bóc lột" của Trung Quốc mà sáng kiến “Vành đai-Con đường” “sản sinh” ra, vốn gây ra tình trạng nợ công chồng chất và mang tai tiếng là “chính sách ngoại giao bẫy nợ.”

Trong bài phát biểu này, Bolton cũng châm ngòi công kích Trung Quốc vì chính sách của Bắc Kinh đối với châu Phi.

“Hối lộ, những thỏa thuận mờ ám và sử dụng nợ mang tính chiến lược nhằm giữ các quốc gia châu Phi chịu ràng buộc bởi những mong muốn và yêu cầu của Bắc Kinh,” vị cố vấn chỉ trích.

Chính quyền Trump, khi nhận ra tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở châu Phi đã thiết lập Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (IDFC) để hỗ trợ chính quyền cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các nền kinh tế thị trường mới nổi, mà trọng tâm đặt vào châu Phi.

IDFC đã được phân bổ một khoản ngân sách đáng kể: 60 tỷ USD. Hồi tháng 10/2018, Trump đã ký đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển, viết tắt là BUILD, vì Trump và nhiều thành viên chính quyền cho rằng Cơ quan đầu tư tư nhân nước ngoài Mỹ (OPIC) không phát huy hiệu quả và không thúc đẩy được các lợi ích chiến lược và kinh tế của Washington.

Rõ ràng, nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng như các thành viên của cộng đồng chiến lược lâu nay đã tranh cãi để đưa ra một chính sách mới của Mỹ đối với châu Phi.

[Cuộc đua tại châu Phi: Trung Quốc đang dẫn trước phương Tây?]

Chắc chắn một số nước châu Phi gặp phải gánh nặng nợ nần cao. Thành viên Chính quyền Trump, kể cả cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng đã cảnh báo về những cạm bẫy của chính sách kinh tế không bền vững và “bẫy nợ” của Trung Quốc.

Vì vậy, giới hoạch định chính sách Mỹ cần lưu tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Bắc Kinh đã nỗ lực phát đi thông điệp rằng “Vành đai-Con đường” không mang tính chất bóc lột và Trung Quốc sẵn sàng tháo gỡ những vấn đề tồn tại của các nước châu Phi. Tuy nhiên, chính các nước châu Phi lại không hề bận tâm đến lời nhắc nhở của Mỹ về nợ nần do các dự án đầu tư cơ sở của Trung Quốc gây ra.

Tại hội nghị hồi tháng 11/2018 chuyên đề về đầu tư và thương mại giữa Ethiopia và tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, Ngoại trưởng Ethiopia Aklilu Hailemichae vẫn phát biểu rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc đã giúp tạo công ăn việc làm và mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ethiopia dựa trên “sự tôn trọng lẫn nhau.”

Vị bộ trưởng này còn cho rằng Ethiopia cũng sẽ hưởng lợi từ sáng kiến “Vành đai-Con đường.”

Tương tự, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-châu Phi tổ chức hồi tháng 9/2018, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phản bác ý kiến cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách kinh tế bóc lột và điều này sẽ dẫn đến “chủ nghĩa thực dân mới.”

Chiến lược châu Phi mới của Trump: Có 'bình' nhưng chưa có 'rượu' ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vì vậy, Washington cần hiểu một thực tế rằng Bắc Kinh sẽ luôn có một lợi thế nào đó ngay cả khi các nước nhận hỗ trợ không bị ràng buộc đối với hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

Để hóa giải được điều này, Mỹ cần có một chiến lược gắn kết và phát huy hiệu quả. Mỹ đã từng có những lợi thế so với Trung Quốc khi đi đầu Bắc Kinh trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài ở châu Phi trong năm 2017.

[Trung Quốc "ve vuốt" châu Phi bằng chính sách "ngoại giao bẫy nợ"?]

Ngoài ra, châu Phi cũng đã được hưởng lợi từ đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi vốn cho phép 40 quốc gia châu Phi được miễn thuế đối với hơn 6000 sản phẩm.

Tuy nhiên, đến thời Chính quyền Trump lại có cách tiếp cận xuyên quốc gia và không có tính nối tiếp và nhất quán.

Một cách khác là Mỹ có thể khám phá mối quan hệ đối tác chung với đồng minh. Khi ấy, việc đối phó với Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì, nếu Mỹ không “bắt tay” với Nhật Bản, nước cũng đã thực hiện các bước đi đầy ấn tượng để xâm nhập châu Phi về đầu tư, và lâu nay cũng đã và đang cung cấp hỗ trợ tài chính cho khu vực này dù có phần thận trọng hơn Bắc Kinh.

Tokyo và Ấn Độ cũng đang tìm cách hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng và kết nối ở châu Phi thông qua Hành lang Tăng trưởng châu Phi-châu Á.

Washington lại đang cùng với New Delhi và Tokyo thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở và ba nước này có thể cùng hợp tác để đẩy mạnh dự án “châu Phi thịnh vượng.”

Có lẽ, Trump cần lưu tâm đến lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi ông này nói về sự liên quan của các đồng minh Mỹ cho việc thúc đẩy các lợi ích chiến lược của chính Washington.

Và lẽ dĩ nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng Mỹ cần tìm tiếng nói chung với Trung Quốc trong vấn đề phát triển châu Phi, và không thực hiện chính sách “được ăn cả, ngã về không.”

Trong quá khứ, Mỹ và Trung Quốc từng tìm cách hợp tác với nhau về vấn đề này.

Tác giả bài viết kết luận, rốt cục, các nước châu Phi sẽ nhận ra những lợi ích của chính họ. Vì vậy, chỉ đơn thuần chỉ trích các chính sách kinh tế của Trung Quốc và gián tiếp nghi ngại về đánh giá của các nước châu Phi thì Mỹ không thể hoạch định ra được lối tư duy chiến lược cho mình.

Chìa khóa là Washington, cùng với các đồng minh khác, cần có được một phương án khả thi để đối phó với Trung Quốc hoặc để tìm ra một tiếng nói chung với "gã khổng lồ châu Á" này.

Tuy nhiên, việc kỳ vọng về một tầm nhìn dài hạn và tinh tế lại là nhiệm vụ nhọc nhằn đối với Chính quyền Trump./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục