Chính quyền đô thị TP.HCM: Hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở để hướng tới một chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Mai/Vienam+)
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Mai/Vienam+)

Sáng 16/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh với 420/428 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao mô hình tổ chức này, nhưng cũng còn có ý kiến băn khoăn bên hành lang nghị trường.

Những băn khoăn từ Nghị quyết

- Theo đại biểu, khi triển khai Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì?

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế:  Về Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đồng tình cao và muốn tạo một cơ chế thật thông thoáng, đúng pháp luật để Thành phồ Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, đầu tàu về thu ngân sách và đầu tàu đổi mới trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay có nhiều điểm sáng.

Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn một số nội dung trong Nghị quyết. Thứ nhất, Điều 1 về chính quyền đô thị nói là cải cách hành chính, nhưng theo tôi hiểu hiện nay có 3 loại hình đô thị, một loại hình là thành phố-quận-phường, một loại hình thành phố-huyện-xã, một loại hình thành phố-thành phố trong thành phố-phường.

Chính quyền đô thị TP.HCM: Hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn ảnh 1Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn đại biểu Quốc hội Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Quận, phường không tổ chức hội đồng nhưng thành phố trong thành phố vẫn tổ chức hội đồng, huyện-xã vẫn tổ chức hội đồng. Như vậy rất khó, bởi họp hành cũng phải đúng quy trình. Ví dụ muốn họp hội đồng nhân dân thành phố thì hội đồng cấp dưới phải họp đã; hoặc trong các văn bản chỉ đạo của thành ủy, quận ủy có những điều chưa thống nhất, nơi thì bổ nhiệm, nơi thì bầu.

[Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM]

Điều tôi băn khoăn thứ hai là về giám sát. Trong Nghị quyết giao việc giám sát cho Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố, nhưng tôi cho rằng nên lấy phiếu đánh giá tín nhiệm của người dân, đặc biệt là cán bộ phường, còn quận thì lấy cán bộ chủ chốt trước khi đưa ra lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân thành phố.

Do phường là người dân đánh giá và giám sát thông qua lá phiếu của mình, giống như nhiều nước người dân còn đi bầu Tổng thống. Theo tôi nghĩ, hàng năm, phải lấy phiếu đánh giá tín nhiệm chứ không phải lấy phiếu tín nhiệm.

Vấn đề thứ ba, tôi băn khoăn về cơ chế, trước đây là cơ chế lãnh đạo tập thể phân công cá nhân thực hiện nhưng cơ chế bây giờ số lượng cấp phó theo quan điểm của tôi là cần tăng thêm để tăng trí tuệ tập thể cho những vấn đề thảo luận ở quận, phường, tức là Phó Chủ tịch quận phải 4 người (trong luật là 3 người), Phó Chủ tịch phường trong Nghị quyết quy định 2 người nhưng theo tôi cần 3 người.

Clip Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa chia sẻ một số băn khoăn về Nghị quyết:

Tại sao tôi lại đề nghị tăng? Một là do khi giảm Hội đồng, thì một số nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quận/phường đưa về cho Ủy ban, đưa về cho người điều hành là Chủ tịch quận, Chủ tịch phường và thường trực. Thứ hai, chúng ta có thêm đội ngũ cán bộ để xuống cơ sở nắm tình hình, giải quyết công việc.

Lĩnh vực quốc phòng an ninh trước đây quy định trong Luật là Ủy viên ủy ban quận/xã là quân sự và công an nhưng hiện nay không có quy định này nữa. Theo tôi, nên chăng có một đồng chí Phó chủ tịch phụ trách chuyên sâu lĩnh vực này để tham mưu cho Chủ tịch, vì như tôi đọc 13 nhiệm vụ của Chủ tịch quận là rất nặng.

Xây dựng mô hình chính quyền mới phải tiến bộ hơn mô hình cũ

- Sau một thời gian thí điểm, việc thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện để phát huy những lợi thế như nào ở thành phố, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Khi chúng ta nghiên cứu để xây dựng đề án Chính quyền đô thị tức là xây dựng từ cơ sở, vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thực tiễn, đó là thứ nhất làm sao các cấp chính quyền không trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; thứ hai là khi chúng ta thiết kế một mô hình chính quyền ở đô thị thì phải phù hợp với đặc điểm của đô thị đó, phải khác với nông thôn về chức năng, về nhiệm vụ như thế nào; thứ ba mô hình chính quyền đô thị đó phải khắc phục được tầng nấc trung gian, phải hướng tới một chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Clip chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm:

Chúng ta xây dựng mô hình chính quyền mới phải tiến bộ hơn mô hình cũ, đây cũng là điều mà lãnh đạo thành phố mong muốn và có như vậy mới thuyết phục được đa số đại biểu Quốc hội và người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Với mục tiêu như vậy, khi thiết kế mô hình chính quyền chỉ có một cấp là cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, cấp chính quyền thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ giảm bớt tầng nấc trung gian, kéo theo những nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn sẽ không còn bị chồng lấn, trùng lặp và giải quyết công việc của nhân dân nhanh hơn.

Tôi hy vọng với mô hình được Quốc hội thông qua như vậy, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phục vụ nhân dân tốt hơn, chúng ta sẽ có điều kiện để quyết định vấn đề phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố phát triển cũng có nghĩa là chúng ta đóng góp cho sự phát triển đất nước nhiều hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục