Israel đang chứng kiến một làn sóng các công ty khởi nghiệp công nghệ nội địa chuyển dịch sang thị trường Mỹ để hoạt động.
Nguyên nhân của sự chuyển dịch này là do sức hấp dẫn từ các chính sách hỗ trợ kinh doanh của Xứ Cờ hoa và một phần do các nhà đầu tư bất an với kế hoạch cải cách tư pháp của Chính phủ Israel.
Điều này đã đảo ngược xu hướng trong thập kỷ qua, khi Chính phủ Israel đã thuyết phục được một số lượng lớn các công ty khởi nghiệp thiết lập sự hiện diện pháp lý của họ ở trong nước.
Lĩnh vực công nghệ đang sử dụng khoảng 14% lực lượng lao động của Israel. Mặc dù xu hướng mới không có nghĩa là toàn bộ việc làm sẽ bị chuyển ra nước ngoài, song quyết định đăng ký công ty hoặc sở hữu trí tuệ ở nước ngoài có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc nộp thuế, làm giảm nguồn thu của chính phủ.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư Israel cho biết họ có những lý do chính đáng để lựa chọn đăng ký thành lập công ty tại Mỹ, đặc biệt là ở bang Delaware - nơi có nhiều ưu đãi về chính sách thuế.
[Người dân Israel biểu tình phản đối cải cách tư pháp trong tuần thứ 32]
Mặc dù cuộc cải cách tư pháp không nhắm trực tiếp vào lĩnh vực công nghệ, nhưng một số doanh nhân lo ngại về tác động tiềm ẩn của nó nên đã quyết định chuyển các công ty khởi nghiệp của mình qua Đại Tây Dương.
Các cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm tới nay đã đặt nền kinh tế Israel đối mặt với nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là với ngành công nghệ đóng góp tới 20% tổng sản phẩm quốc nội và 30% doanh thu thuế.
Các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ có tâm lý lo ngại về hậu quả của kế hoạch cải cách tư pháp đối với hệ sinh thái công nghệ quốc gia.
Theo một cuộc khảo sát do Cơ quan Đổi mới Israel (IIA) thực hiện, có tới 80% các công ty khởi nghiệp công nghệ mới của Israel đã đăng ký hoạt động ở Delaware trong năm 2023, tăng mạnh so với mức 20% của năm 2022.
Cuộc khảo sát cũng tiết lộ rằng các công ty có kế hoạch đăng ký tài sản trí tuệ trong tương lai ở nước ngoài.
Ông Ami Applebaum, Chủ tịch IIA lưu ý các nhà đầu tư luôn ưu tiên hàng đầu là một môi trường ổn định, tuy nhiên, cuộc cải cách tư pháp của Chính phủ Israel có thể khiến nước này rơi vào tình trạng bất ổn.
Yair Geva, người đứng đầu nhóm phụ trách công nghệ tại Công ty Luật Herzog, Fox và Neeman, nhận định xu hướng chuyển dịch không chỉ ở các công ty mới mà còn lan tới cả một số công ty hiện đang hoạt động tại Israel khi các doanh nghiệp này đang tìm cách đang đa dạng hóa hoạt động của mình ra ngoài biên giới đất nước.
Một số doanh nhân và nhà đầu tư cho biết quyết định đăng ký hoạt động tại Mỹ hoàn toàn là vấn đề kinh doanh, không liên quan đến chính trị.
Người sáng lập và Giám đốc điều hành của Công ty Trí tuệ nhân tạo ProntoNLP.ai - Ronen Feldman - cho biết các công ty muốn hoạt động trong môi trường toàn cầu và nhận được đầu tư từ Mỹ thì cần phải đăng ký hoạt động tại nước này. Vấn đề này mang tính kinh doanh thuần túy.
Thực tế, lĩnh vực công nghệ của Israel phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư nước ngoài. Việc giảm nguồn kinh phí cho các công ty khởi nghiệp do lãi suất ngân hàng tăng cao và sự sụp đổ của nhà đầu tư công nghệ lớn là Ngân hàng Thung lũng Silicon là hai trong số các nguyên do thúc đẩy các công ty khởi nghiệp tìm kiếm môi trường tài chính hứa hẹn hơn.
Tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Khởi nghiệp Quốc gia (SNC) của Israel cho biết nguồn vốn tư nhân đổ vào các công ty khởi nghiệp của quốc gia Do Thái này trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua.
Theo SNC, trong 6 tháng đầu năm nay, các start-up chỉ huy động được 3,9 tỷ USD từ các vòng gọi vốn đối với các quỹ đầu tư tư nhân, giảm 29% so với 6 tháng liền kề trước đó và giảm 67% so với cùng kỳ năm 2022.
Báo cáo cũng chỉ ra xu hướng trong hai quý đầu năm nay, số vốn huy động quý 2/2023 giảm 10% so với quý trước./.