Hiện nay, dịch bệnh do virus Ebola đang diễn biến phức tạp tại các nước Tây Phi và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh nhưng Việt Nam đang ở tình huống 1 của kế hoạch phòng chống dịch bệnh Ebola với nhiệm vụ trọng tâm là giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế.
Phát hiện sớm ca đầu tiên nghi nhiễm Ebola
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về dịch bệnh do virus Ebola tính đến ngày 15/12, thế giới đã ghi nhận 18.564 trường hợp mắc, trong đó có 6.905 trường hợp tử vong.
Trước tình hình đó, tất cả các địa phương có cửa khẩu quốc tế đã đồng thời triển khai các biện pháp nhằm tăng cường giám sát hành khách nhập cảnh vào Việt Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng, từ ngày 11/8 đến ngày 26/11 đã có 457 hành khách từ các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola được giám sát, kiểm tra và lập danh sách theo dõi sức khỏe. Trong đó, sân bay quốc tế Nội Bài có 43 trường hợp, Tân Sơn Nhất có 405 người và Cảng biển Vũng Tàu là 9 người.
Cục Y tế dự phòng đã lập danh sách tất cả các hành khách này cho các đơn vị y tế dự phòng địa phương có người đến lưu trú để quản lý và theo dõi sức khỏe.
Trong số 457 trường hợp được giám sát hiện đã có 361 người đã qua 21 ngày; còn lại 96 người chưa qua 21 ngày cần tiếp tục giám sát tại cộng đồng.
Ông Lê Công Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Sở Y tế Quảng Trị cho biết Quảng Trị hiện có ba cửa khẩu gồm Lao Bảo, Lay Lay và Cảng Cửa Việt nên nguy cơ bệnh xâm nhập và lan truyền vào địa bàn tỉnh là rất lớn.
Trong chín tháng của năm 2014, tại ba cửa khẩu này đã có hơn 123.000 lượt hành khách nhập cảnh và hơn 130.000 lượt hành khách xuất cảnh. Do đó, bên cạnh tăng cường giám sát hành khách tại các của khẩu quốc tế, ngành y tế tỉnh còn thành lập đội đáp ứng nhanh phòng, chống bệnh Ebola với nhiệm vụ điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Lê Công Chuyên nhấn mạnh để chủ động giám sát dịch bệnh, trong đó có bệnh Ebola, bắt đầu từ tháng 1/2015, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (Sở Y tế tỉnh Quảng Trị) sẽ triển khai thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị, Việt Nam)-Densavan (tỉnh Savannakhet, Lào). Theo đó, hải quan, cơ quan kiểm dịch, y tế, xuất nhập cảnh hai nước phối hợp thực hiện đầy đủ thủ tục biên giới tại khu vực kiểm tra chung.
Trước đây người và hàng hóa phải kiểm tra tại cả hai cửa khẩu nhưng nay rút ngắn, chỉ thực hiện tại một điểm kiểm tra chung, giảm thời gian chờ đợi cho người dân.
Đối tượng phải thực hiện kiểm dịch y tế là người, phương tiện vận tải, hàng hóa các loại có nguy cơ nhiễm hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi nhập cảnh và xuất cảnh; giám sát bệnh truyền nhiễm và điều kiện vệ sinh trong khu vực cửa khẩu; các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, phía Lào chỉ thực hiện trên các đối tượng là thuốc dược phẩm, hóa mỹ phẩm và hàng hóa là thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chính vì vậy, việc triển khai về khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế đối với các đối tượng bắt buộc phải kiểm dịch không đồng bộ dẫn đến việc khó khăn trong việc kiểm tra chung cũng như bố trí vị trí làm việc.
Theo ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế thành phố Đà Nẵng, thành phố có hai cửa khẩu quốc tế là sân bay quốc tế Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng.
Thực hiện kế hoạch phòng chống bệnh do virus Ebola, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với công an cửa khẩu sân bay Đà Nẵng kiểm tra hộ chiếu, thực hiện tờ khai y tế đối với hành khách đến từ vùng dịch; đồng thời thông báo các hãng hàng không có chuyến bay quốc tế đến thành phố Đà Nẵng phối hợp với kiểm dịch y tế trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh Ebola, hỗ trợ khai báo tờ khai y tế.
Trung tâm tổ chức ba ca trực bảo đảm có mặt 24/24 giờ tại các chốt trực, mỗi ca có đầy đủ các thành phần chuyên môn để đáp ứng mọi hoạt động phòng, chống dịch (gồm lãnh đạo, y bác sỹ, nhân viên xử lý y tế và hậu cần).
Trung tâm giám sát thân nhiệt tất cả hành khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa (hai camera đo thân nhiệt tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng và hai camera tại cửa khẩu cảng Đà Nẵng). Theo đó đến 28/10, Trung tâm đã giám sát được hơn 113.000 người nhập cảnh và hơn 124.000 người xuất cảnh tại cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng; tại cảng Đà Nẵng là 1.691 người nhập cảnh và 1.864 người xuất cảnh.
Giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu khẳng định Bộ Y tế nhận định dịch bệnh do virus Ebola có tốc độ lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (hiện tại là 50%).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp với dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, nguy hại với sức khỏe cộng đồng, gây quan ngại quốc tế, dịch bệnh đã lây lan ra ngoài khu vực châu Phi.
Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola. Tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh thông qua hành khách nhập cảnh trở về từ các quốc gia đang có dịch vào Việt Nam là có thể.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày; duy trì khai báo y tế đối với khách nhập cảnh đến từ vùng có dịch bệnh Ebola; thành lập bón đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh Ebola tại 4 khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên để đáp ứng và chỉ đạo kịp thời trong trường hợp có ca nghi ngờ Ebola.
Bác sỹ Chuyên khoa 1 Nguyễn Xuân Tường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết các huyện ở biên giới đều là các huyện nghèo, ngân sách cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch Ebola nói riêng rất khó khăn. Tại đây, nhận thức của người dân cũng còn nhiều hạn chế, nên công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Trường đề xuất để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, các bệnh viện cần phải lập kế hoạch nhu cầu thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng hộ khi có dịch xảy ra. Đồng thời, ngành y tế hỗ trợ cho hệ thống y tế dự phòng kinh phí mua trang bị phòng hộ và vật tư (lấy mẫu, giám sát, xử lý phòng chống dịch), kinh phí vận chuyển mẫu bệnh do virus Ebola để đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị, đặc biệt là các bệnh viện.
Thạc sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng khẳng định để phòng chống dịch bệnh Ebola xâm nhập vào Việt Nam hiệu quả thì công tác giám sát tại cửa khẩu là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, tờ khai y tế nếu được triển khai tốt sẽ giúp ngành y tế giám sát được các bệnh nhân của biểu hiện sốt và các hành khách ngồi gần bệnh nhân nghi ngờ. Hiện nay, Trung tâm y tế dự phòng đã được cấp 200 bộ phòng hộ để sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra./.