Chủ tịch EC thừa nhận chậm trễ trong cấp phép và tiêm chủng vắcxin

Chủ tịch EC cho biết EU sẽ triển khai một mạng lưới thử nghiệm lâm sàng mới để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhanh hơn và thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm thúc đẩy việc sản xuất vắcxin.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 20/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 20/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thừa nhận sự thất bại trong quy trình phê chuẩn và triển khai chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời cho biết khối này đã rút ra bài học sau sự việc này.

Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch von der Leyen cho biết 26 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 đã được bàn giao và vào cuối mùa Hè tới, 70% người trưởng thành tại 27 nước thành viên EU đều sẽ được chủng ngừa.

Tuy nhiên, bà thừa nhận sự chậm trễ trong việc cấp phép sử dụng vắcxin cũng như tâm lý quá lạc quan của giới chức EU về công tác điều chế và tiến độ bàn giao vắcxin.

Chính những sai lầm này cũng đang dẫn đến quyết định kiểm soát xuất khẩu vắcxin tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU.

Biện pháp này bao gồm việc đình chỉ một phần các điều khoản trong thỏa thuận thương mại sau khi Anh rời khỏi EU mà theo đó cho phép hàng hóa lưu thông qua biên giới Ireland sang Vương quốc Anh - một quyết định đã làm chấn động cả vùng lãnh thổ Bắc Ireland, London và Dublin.

Tuy nhiên, Chủ tịch EC vẫn bảo vệ cơ chế giám sát vắcxin, cho rằng sẽ không công bằng đối với thị trường chung châu Âu nếu chỉ có một số ít các nước thành viên lớn đảm bảo lượng vắcxin cần thiết.

EU cũng sẽ không "đốt cháy giai đoạn" trong việc phê duyệt các chất sinh học được tiêm vào cơ thể con người, ngay cả khi đã chậm chân so với các đối thủ tới 3- 4 tuần.

Bà von der Leyen cũng cho biết EU sẽ triển khai một mạng lưới thử nghiệm lâm sàng mới để cung cấp dữ liệu cho các cơ quan quản lý nhanh hơn và EC sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm nhằm thúc đẩy việc sản xuất vắcxin.

Trước đó, ngày 29/1, EC đã công bố biện pháp nhằm tiến tới giám sát và trong một số trường hợp có thể cấm xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU, trong bối cảnh căng thẳng giữa khối này và hãng dược phẩm AstraZeneca gia tăng liên quan đến vấn đề giao nhận vắcxin.

Biện pháp của EU chỉ có hiệu lực với các nhà máy sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 nằm trong các hợp đồng mua bán vắcxin đã ký giữa các hãng dược phẩm và EC.

Theo đó, các nhà máy thuộc diện này hoạt động trên lãnh thổ các nước thành viên EU sẽ phải xin cấp phép xuất khẩu vắcxin cho các nước ngoài khối, đồng thời trình kế hoạch xuất khẩu trước 3 tháng.

Sau làn sóng phản đối kịch liệt ở London, Belfast và Dublin, EU đã tuyên bố ngay trước nửa đêm 29/1 rằng khối sẽ đảm bảo Nghị định thư Bắc Ireland, được thiết kế để đảm bảo cho biên giới tại Ireland mở, sẽ không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, EU cũng cảnh báo rằng nếu vắcxin ngừa COVID-19 và các hoạt chất khác bị xuất sang các nước thứ ba và ra khỏi khối này, EU sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp có thể để ngăn chặn."

Cùng ngày, công ty dược phẩm BioNTech của Đức thông báo đã bắt đầu sản xuất vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại cơ sở mới ở thành phố Marburg (bang Hessen), sớm hơn khoảng 1 tháng so với kế hoạch.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với việc cơ sở mới đi vào hoạt động, đây sẽ là một trong những cơ sở sản xuất vắcxin mRNA (được phát triển dựa trên việc sử dụng một dạng thức vật chất di truyền tổng hợp của virus SARS-CoV-2) lớn nhất ở châu Âu, với công suất sản xuất hàng năm lên đến 750 triệu liều vắcxin COVID-19.

BioNTech có kế hoạch sản xuất tới 250 triệu liều vắcxin tại đây trong nửa đầu năm 2021 và những lô hàng đầu tiên được sản xuất tại Marburg dự kiến được chuyển giao vào đầu tháng 4/2021.

Chủ tịch EC thừa nhận chậm trễ trong cấp phép và tiêm chủng vắcxin ảnh 1Dây chuyền sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 tại Saint-Amand-les-Eaux, Pháp ngày 3/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước đó, để đáp ứng nhu cầu về vắcxin toàn cầu, BioNTech và đối tác là công ty Mỹ Pfizer đã tăng năng lực sản xuất vắcxin lên đến 2 tỷ liều trong năm 2021.

[Dịch COVID-19: Thế giới đã ghi nhận hơn 107 triệu ca nhiễm]

Trong 24 giờ qua, các cơ quan y tế Đức ghi nhận có thêm trên 8.000 ca nhiễm mới và 813 ca tử vong.

Hiện, chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày trong 100.000 dân đã giảm xuống 68, mức giảm mạnh so với đỉnh điểm lên tới 197,6 vào ngày 22/12/2020.

Theo nội dung dự thảo nghị quyết được Chính phủ liên bang Đức chuẩn bị cho cuộc họp trực tuyến giữa chính quyền trung ương và các địa phương diễn ra chiều 10/2 theo giờ Đức, Chính phủ nước này ủng hộ chủ trương kéo dài lệnh phong tỏa hiện nay thêm một tháng, cho tới ngày 14/3 tới, tuy nhiên có một số thay đổi như việc các bang sẽ tự quyết định thời điểm và hình thức mở cửa trở lại các trường học.

Theo dự thảo, các biện pháp phong tỏa đang được áp dụng đã giúp dẫn tới giảm đáng kể số ca nhiễm mới.

Lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10/2020, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày/100.000 đã giảm xuống giá trị dưới 80, thậm chí có bang, giá trị này đã giảm xuống dưới 50.

Tuy nhiên, nguy cơ gia tăng trở lại số ca nhiễm mới vẫn hiện hữu với sự bùng phát của những biến thể mới, điều đòi hỏi cần tiếp tục có những biện pháp phòng ngừa để kiềm chế sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

Do vậy, về nguyên tắc, việc hạn chế tiếp xúc hiện nay vẫn sẽ được giữ nguyên trong vài tuần tới.

Nội dung dự thảo nghị quyết nêu rõ trước sự nguy hiểm của biến thể mới của virus, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế cần phải được thực hiện cẩn trọng và từng bước, không để số ca nhiễm mới gia tăng theo cấp số nhân.

Trong dự thảo, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế tối đa tiếp xúc trong vài tuần tới, đặc biệt tránh các cuộc tụ họp ở các hộ gia đình.

Tại Nam Phi, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson (Mỹ).

Trước đó, Nam Phi đã tạm dừng sử dụng vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh) trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 sau khi dữ liệu cho thấy vắcxin chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus đang được ghi nhận ở nước này.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cho biết vắcxin của Johnson & Johnson đã được chứng minh hiệu quả trong việc chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi. Tuy nhiên, ông không cho biết thời điểm tiêm chủng sẽ được triển khai.

Tập đoàn dược phẩm của Aspen của Nam Phi, một nhà sản xuất vắcxin theo hợp đồng với Johnson & Johnson, tuyên bố sẽ nỗ lực sản xuất những liều vắcxin đầu tiên ngừa COVID-19 vào tháng 3 tới. Bộ trưởng Mkhize cho biết những vắcxin được sản xuất trong nước này sẽ được tung ra thị trường vào tháng Tư tới.

Cùng ngày, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết có thể bàn giao vắcxin ngừa COVID-19 trực tiếp cho các điểm tiêm chủng ở Nam Phi.

Vắcxin của Pfizer/BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp khoảng -70 độ C và đây là một trong những điểm hạn chế của chế phẩm này.

Nam Phi cho biết đã đảm bảo được 20 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech, dự kiến sẽ được bàn giao trong quý 2.

Nước này dự kiến cũng sẽ tiếp nhận 117.000 liều vắcxin của Pfizer/BioNTech trong quý 1 qua Cơ chế phân phối vắcxin COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vắcxin cho những nước đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục