Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vừa tuyên bố hiện chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy có sự liên quan giữa thuốc ibuprofen và tình trạng nặng hơn của bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuy nhiên, cơ quan này sẵn sàng xem xét lại quan điểm của mình nếu có những diễn biến mới.
Thông báo nêu trên của EMA là nhằm thể hiện quan điểm của cơ quan này trước thông tin của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đăng trang mạng xã hội Twitter ngày 14/3 rằng, “các thuốc kháng viêm như ibuprofene có thể làm trầm trọng thêm bệnh COVID-19,” đồng thời ông khuyến cáo người bệnh nên sử dụng paracetamol trong trường hợp bị sốt.
EMA nhấn mạnh mỗi loại thuốc đều có những những mặt ưu điểm và tác dụng phụ đi kèm theo và hiện không có lý do gì để khiến các bệnh nhân đang sử dụng thuốc ibuprofen phải ngừng việc điều trị của họ, đặc biệt là đối với những bệnh nhân đang mắc các căn bệnh mãn tính.
EMA kết luận cơ quan này mời các bên liên quan tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khoa học sâu hơn về loại thuốc kháng viêm này để đưa ra kết luận khách quan.
EMA sẵn hợp tác với các bên liên quan và ủng hộ tích cực các nghiên cứu này để định hướng điều trị cho người bệnh trong thời gian tới.
Hôm 17/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo những người đang có các triệu chứng mắc COVID-19 tránh sử dụng thuốc ibuprofen sau lời cảnh báo của Bộ trưởng Y tế Pháp.
Bệnh COVID-19 gây ra những triệu chứng nhẹ trong phần lớn trường hợp, song có thể dẫn tới viêm phổi nặng và trong một số trường hợp có thể dẫn tới suy đa phủ tạng.
Ngay cả khi trước đại dịch bùng phát, giới chức Pháp đã lên tiếng báo động về những "biến chứng gây nhiễm trùng" nghiêm trọng có liên quan tới sử dụng ibuprofen, được bán trên thị trường dưới nhiều nhãn hiệu thuốc như Nurofen và Advil và các loại thuốc chống viêm khác./.